Thư Hipri được cho là viết cho những người Do Thái, hoặc là đã trở thành kitô hữu hoặc chưa, thì không rõ. Vậy khi tác giả nói đến thái độ “lừng khừng” (x. Hr 12,15) là nói đến thái độ của những người được tuyển chọn, là Dân của Chúa. Nơi những người “đạo đức nòi” này mà phải cảnh giác về thái độ lừng khừng vì có thể đánh mất ân sủng của Chúa, đánh mất ơn cứu độ (x. 12,15), mà còn hơn nữa, là “trở nên rễ đắng” (x. 12,15).
Có một đoạn văn trong sách Đệ Nhị Luật chương 29 giúp chúng ta hiểu cụm từ “trở nên rễ đắng” này. Trong bài giảng thứ ba cho dân chúng, trước khi họ vào đất Chúa hứa ban, ông Môsê nói:
“Giữa anh em, đừng có thứ rễ sinh trái độc và quả đắng. Nếu kẻ nào, khi nghe các lời thề nguyền này, lại tự chúc phúc cho mình trong lòng mà nói: 'Tôi sẽ được bình an, cho dù tôi cứ sống theo lòng chai dạ đá của tôi '” ((Đnl 29,17-18).
Vậy “rễ đắng” là những người tự phụ mình thuộc về Dân của Chúa, nhưng sống theo thói đời, mà vẫn cứng lòng tự cho mình là đạo đức. Đó cũng là những người tưởng mình có đạo nhưng sống “lừng khừng” mà cứ tưởng là hay. Những điều đó chúng ta cũng thấy nơi những người ở quê Nadarét của Chúa Giêsu khi họ từ khước không tin vào Ngài.
Thái độ “lừng khừng” và “rễ đắng” có ở nơi những người có “nước sơn đạo đức”, như cách nói của Đức Thánh Cha Phanxicô. Và họ an tâm ở lại đó, mà còn đi công kích người khác nữa!
Theo Chúa Kitô không phải vậy, nhưng phải hết mình. Câu đầu tiên của đoạn trích thư Hipri hôm nay nhắc lại câu 4: “Thưa anh em, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu!” (Hr 12,4). Theo Chúa Kitô phải hết mình, kẻo rồi an tâm trong những điều tối thiểu, trong những hình thức đạo đức, mà đánh mất ơn cứu độ. Đó là nguy cơ của người tự coi mình là đạo đức!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn