Sau khi nói về gương đức tin của các vị tiền bối trong lịch sử Do Thái, tác giả thư Hipri nói đến đức tin phải trải qua gian khổ và sẵn sàng để Thiên Chúa sửa dạy. Từ đó, tác giả lưu ý thái độ “lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa” (fails to receive the grace of God). Trong cơn bách hại của các kitô hữu thời kỳ ấy do bởi đế quốc Roma, có những người e ngại, không hết mình và không sẵn sàng trả giá vì đức tin. Họ bị cám dỗ tìm sự bình an khi sẵn sàng thờ lạy thần tượng do những người bách hại đưa ra. Tác giả gọi đó là thái độ “lừng khừng”, bỏ mất ân sủng của Thiên Chúa, và tác giả gọi thái độ thờ tà thần là “rễ đắng” (bitter root). Trong bản văn viết tay của thư Hipri có ghi chú bên lề là “cỏ độc” (poisonful herb). Thái độ lừng khừng nghiêng chiều về tà thần chính là “cỏ độc” làm hư hỏng nhiều người trong cộng đoàn.
Gần đây, khi nói về việc đào tạo đời sống đức tin, giáo huấn của Giáo Hội lưu tâm đến thái độ “dễ bảo với Thánh Thần”. Kitô hữu có thể đưa ra nhiều cách giải thích Lời Chúa cho nhẹ đi, cho bớt đòi hỏi. Họ cũng đưa ra nhiều lý do để châm chước cho mình điều này hay điều kia. Họ có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác -như những người Nadarét đã làm- để biện hộ cho sự lừng khừng trong đời sống đạo của mình. Nhìn chung, đó là thái độ thiếu xác tín vào lời Chúa dạy nên cũng không “mặn mà”, không hết mình sống Lời Chúa. Tình trạng “lừng khừng” này đưa đến những bất ổn trong đời sống cá nhân, và do đó, cũng gây ra những bất ổn trong gia đình, trong đời sống cộng đoàn. Nói cách khác, đó là thái độ không hết mình trong việc bước theo Chúa Kitô, nhưng theo những thứ “thần linh” khác như sự thoải mái, sự khôn ngoan vì lợi ích cá nhân, tình trạng phe nhóm… Những thứ “lừng khừng” ấy làm cho chính đương sự và cộng đoàn gặp nhiều thứ cứ phải giải quyết mãi mà không ra khỏi được.
Cần lắm một lòng tin mạnh mẽ vào Lời Chúa và thái độ can đảm dám sống Lời Chúa hết mình.
Lm Giuse Nguyễn Trọng Sơn