Kitô hữu là ai ?
Cv 11,19-26; Ga 10,22-30
Thứ Ba Tuần IV - Mùa Phục Sinh, 13/05/2025
“Chính tại Antiôkhia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là kitô hữu.” (Cv 11,26).
Từ ngữ “kitô hữu” (christian/ chrétien) do bởi từ “Đức Kitô” (Christ). Như vậy, căn tính của kitô hữu có liên hệ mật thiết, căn bản và không thể thiếu trong mối tương quan với Chúa Kitô. Trong câu trích từ sách Công Vụ ở trên, từ ngữ “kitô hữu” có điểm đáng chú ý là những người tin vào Chúa Kitô được gọi là môn đệ. Như vậy, là kitô hữu cũng phải là người có thái độ môn đệ để lắng nghe lời của Thầy mình là Chúa Giêsu Kitô. Và điều thứ hai cũng cần lưu ý là từ ngữ này được hình thành nơi một Giáo Hội xuất phát từ dân ngoại, tức là những người ngoài Do Thái. Như thế thì tính chất mở ra với mọi người cũng phải là tính chất cốt yếu của kitô hữu.
Bản văn sách Công Vụ cho thấy không chỉ tông đồ, phó tế, mà cả giáo dân cũng đều là những người “có gan lớn” khi dám mở ra với người ngoài Do Thái, là điều hết sức mới mẻ vào thời ban đầu của Giáo Hội. Đây là điều cần nhìn lại cho Giáo Hội hôm nay với vai trò khá thụ động của giáo dân. Không đủ và không dám chủ động, giáo dân ở trong tư thế đón nhận từ hàng giáo phẩm và từ các giáo sĩ, tu sĩ, và cũng vì thế, họ không đủ bận tâm với những thao thức lớn của Giáo Hội nên rơi vào những điều lẩm cẩm, những xích mích chẳng đáng vào đâu của đời sống chung. Không ít giáo sĩ và tu sĩ cũng không có tâm hồn lớn nên cũng bị rơi vào tình trạng này!!!
Tâm hồn ông Barnaba lớn lắm nên nhận ra bàn tay của Thiên Chúa nơi cộng đoàn gốc dân ngoại ở Antiôkhia, nơi công trình của các giáo dân bị phân tán đến đây. Và cũng với tâm hồn lớn ấy, ông nhìn ra và và đón nhận được ông Saolô dù mọi người còn e dè với ông này. Mà khi ông Saolô được mời phục vụ ở Antiôkhia, giáo dân ở đây cũng đón nhận ông cách tích cực, không xì xầm, không lời ra tiếng vào! Với những tâm hồn mở ra và cao thượng ấy, Thánh Thần có thể hoạt động cách tích cực nhất! Đó là tâm hồn của những người được gọi là “đoàn chiên của Chúa Kitô” (x. Ga 10,26-27). Họ bận tâm đến điều lớn hơn là Đức Giêsu đã phục sinh, đã được Thiên Chúa tôn vinh là Chúa bên cạnh Ngài. Họ bận tâm đến chuyện loan báo tin vui lớn lao này! Chính vì thế, Giáo Hội mới phát triển cách mạnh mẽ!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn