Kiên nhẫn trong giáo dục - Thứ Tư Tuần XIII - Mùa Thường Niên

Kiên nhẫn trong giáo dục - Thứ Tư Tuần XIII - Mùa Thường Niên

Kiên nhẫn trong giáo dục - Thứ Tư Tuần XIII - Mùa Thường Niên

KIÊN NHẪN TRONG GIÁO DỤC 

St 21,5.8-20; Mt 8,28-34 

Thứ Tư Tuần XIII - Mùa Thường Niên, 05/07/2023

Hai vợ chồng ông bà Abraham và Sara xem ra có vẻ khác nhau ở điểm này: ông thì rất nhân từ, còn bà thì có vẻ cay nghiệt. Khi bà không thể có con thì phải nhờ đến cô hầu gái. Theo phong tục Do Thái, đứa con của người phụ nữ kia được sinh ra trên đùi của bà Sara sẽ được coi là con của bà này. Nhưng bây giờ, khi đã có con do chính mình sinh ra, thì bà lại sợ đứa trẻ sinh ra bởi người hầu chiếm mất phần thừa kế của con trai mình, và bà đòi ông Abraham đuổi hai mẹ con kia đi! Ra đi không có gì bảo đảm giữa vùng sa mạc, là một đe dọa cho mạng sống của hai mẹ con. Ông Abraham với lòng nhân từ, như thấy rõ trong câu chuyện cầu xin cho thành Sôđôma, bây giờ rất khó chịu về đòi hỏi của bà Sara, “bởi đó là con ông.” (St 21,11).

Trước đòi hỏi có vẻ độc ác của bà Sara, Thiên Chúa có thể có cách cử xử cứng rắn, nhưng xem ra Ngài cũng rất nhân từ. Ngài hiểu bà Sara làm vậy cũng là vì muốn bảo vệ cho con bà, và Chúa cũng đã hứa dòng dõi sinh ra từ Abraham và Sara mà. Vì thế, Chúa bảo ông Abraham hãy làm theo lời bà Sara, nhưng Ngài cũng có kế hoạch để cứu thoát và phát triển dòng dõi từ người hầu gái kia.

Không ít khi người ta đối xử với nhau cách cay nghiệt, với một lý lẽ nào đó. Đứng trước những người này, người chung quanh cảm thấy khó chịu và muốn dùng biện pháp cứng rắn để đáp lại, với lý do giáo dục.

Nhưng người có lòng nhân từ thì đón nhận giới hạn của người khác và tìm cách khác để vượt qua giới hạn của tha nhân. Cách giáo dục của người có lòng nhân từ mang đầy tính kiên nhẫn, không chỉ dựa vào những lý lẽ dựa trên nguyên tắc. Họ không bỏ đi kế hoạch yêu thương của mình, nhưng đầy sáng kiến để tìm phương cách khác hầu thực hiện lòng yêu thương dành cho tha nhân. Giáo dục đòi phải yêu thương, kiên nhẫn và sáng tạo.

Người dân thành Gađara có lý do để mời Chúa Giêsu ra khỏi vùng của họ, bởi vì vụ heo của họ nhảy xuống nước khiến cho họ bị thiệt hại lớn lao. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì con người quý hơn hết, dù đó là một người bị quỷ ám, người bị xã hội đặt sang bên lề! Lòng nhân từ vì con người, đôi khi đòi vượt qua những tính toán kinh tế, đòi hỏi những hy sinh lớn lao.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn