Hai bài Sách Thánh hôm nay cho chúng ta thấy những con người không dám đối diện với sự thật về giới hạn của bản thân. Ông Giêrêmia là người được Đức Chúa gọi trực tiếp để nói lời Chúa qua việc chỉ cho mọi người biết tội lỗi của họ và kêu mời sám hối, bằng không Đền Thờ sẽ bị phá đổ, đất nước bị tàn phá, còn dân chúng thì bị lưu đày! Toàn là những lời khó nghe bởi vì tội lỗi của họ bị phơi bày, Đền Thờ là nơi họ cậy dựa mong tiếp tục cuộc sống hiện tại thì bị sụp đổ, dân Chúa trở thành dân nhược tiểu, dân nô lệ! Người ta không đối diện được với sự thật về tội lỗi, về những giới hạn của mình, nên họ phản kháng ông Giêrêmia, gọi ông là kẻ gây kinh hoàng và họ lên án tử cho ông.
Điều oái oăm là hàng ngũ tư tế và tiên tri - những vị tiên tri theo cơ chế chứ không phải do Thiên Chúa kêu gọi trực tiếp - lại là thành phần chống đối quyết liệt, trong khi, đáng lẽ với những vai trò đó, họ phải là những người nhạy bén để lắng nghe lời Đức Chúa và phải ủng hộ việc sám hối! Những vị lãnh đạo trong dân gần với quyền lực và dân chúng ít hiểu biết hơn, thì lại hồi tâm cho rằng lời của ông Giêrêmia có thể là lời đến từ Đức Chúa.
Tiểu vương Hêrôđê chiếm đoạt vợ của anh mình. Trước lời cảnh cáo của ông Gioan Tiền Hô, ông không chịu nghe và thay đổi. Cuối cùng, việc gì phải đến thì sẽ đến, ông đi đến một tội ác khác nữa là chém đầu người nói lên sự thật tội lỗi của ông!
Khi người ta không dám đối diện với sự thật về tội lỗi và giới hạn của mình, nên người ta phản kháng. Điều này được biểu lộ qua nhiều hình thức khác nhau: cãi vã, biện minh, từ chối cộng tác, lên án ngược lại người chỉ ra cái sai của mình và của những người chung quanh, có khi còn tìm cách loại trừ người khác với những thứ lỗi lầm được gán cho họ!
Nhiều linh mục đồng thời với cha Vianney không chịu nhìn nhận thành công của cha khi nhiều giáo dân của họ kéo đến với cha để lãnh bí tích Hòa Giải. Các linh mục này lên án, chỉ trích, tố cáo cha với giám mục đủ thứ tội! Còn cha Vianney, trước lá thư nhục mạ của một linh mục trẻ hơn với lời đe dọa tố cáo với giám mục để đuổi cha khỏi xứ, cha viết thư trả lời: Cám ơn cha nhiều. Chỉ có cha mới hiểu những yếu đuối của tôi hơn ai hết, và tôi rất nhớ ơn cha nếu cha nói với giám mục cho tôi rút về một tu viện để ăn năn sám hối!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn