Khổ chế để tâm hồn mở ra - Thứ Sáu sau lễ Tro

Khổ chế để tâm hồn mở ra - Thứ Sáu sau lễ Tro

Khổ chế để tâm hồn mở ra - Thứ Sáu sau lễ Tro

KHỔ CHẾ ĐỂ TÂM HỒN MỞ RA !

Is 58,1-9a; Mt 9,14-15 

Thứ Sáu sau lễ Tro, 24/02/2023

Có thứ đạo đức vị kỷ làm cho tâm hồn người ta đóng lại nơi bản thân. Người ăn chay thì dừng lại ở thành tích đạo đức của mình. Người giữ luật Chúa cách chỉn chu, gia tăng kinh hạt, thì cảm thấy mình tốt lành, đạo đức hơn người khác và sinh ra khó chịu trước những giới hạn hay khác biệt của tha nhân! Đó là thứ đạo đức quy ngã, chỉ tìm kiếm mình. Khi ấy, họ phản ứng cả với Thiên Chúa nữa.

Chúng nói: ‘Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?’ Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. (Is 58,3-4)

Thực hành khổ chế, làm việc đạo đức không đúng cách thì làm cho người ta đóng lại nơi chính mình, chỉ lo tìm kiếm bản thân. Khổ chế đích thực, việc đạo đức đích thực phải làm cho người ta mở ra với Thiên Chúa. Người đạo đức thật thì vượt trên ý mình, có một tâm hồn mở, để có thể đón nhận ý của Thiên Chúa, đi theo con đường thần linh. Người Do Thái ăn chay để chờ đón Đấng Messia, nhưng là Đấng Messia theo ý họ muốn, làm điều họ muốn. Người tín hữu hy sinh hãm mình, đọc kinh cầu nguyện để xin Chúa ban cho những gì mình muốn, và phải là như vậy, chứ họ không chấp nhận điều khác!

Thực hành khổ chế, làm việc đạo đức không đúng cách thì làm cho người ta tự phụ về sự đạo đức của bản thân. Sự tự phụ này ở trong tiềm thức, và lộ ra ở ý nghĩ, thái độ khó chịu với “sự kém đạo đức” của người chung quanh, khó chịu với lối đạo đức khác biệt của họ! Trái tim của người đạo đức không đúng cách bị chai lại, nên hay lên án người khác và lên án cách gay gắt! Việc đạo đức đích thực phải làm cho trái tim kitô hữu dần dần cùng một nhịp đập với trái tim của Thiên Chúa trước anh chị em chung quanh.

Như vậy, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại “độ mở” của lòng mình trước Thiên Chúa, trước lời Chúa, trước anh chị em chung quanh để nhận biết mình đang sống lòng đạo đức thật hay giả hiệu!

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn