Khi nói về việc tôn thờ các thần linh, sách Khôn Ngoan nói rằng con người bị thu hút và dừng lại ở những vẻ đẹp bên ngoài của các thụ tạo mà không đi tới điều sâu xa hơn là Đấng đã tạo dựng nên các thụ tạo ấy.
“Nếu chúng say mê những vẻ đẹp đó
mà coi là thần minh,
thì cũng phải biết rằng
Chúa Tể của những vật đó
còn đẹp hơn biết mấy,
vì chính Đấng sáng tạo mọi loài
là tác giả của muôn vẻ đẹp.” (Kn 13,3).
Khi đứng trước việc tôn thờ các tượng thần ở Athena, thánh Phaolô mượn lại ý tưởng trên của sách Khôn Ngoan để nói với họ về Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành nên muôn vật. Ý tưởng này cũng được thánh nhân nói đến trong thư Roma (x. 1,19-23). Ở Athena, thánh nhân chỉ cho người nghe thấy điều sâu xa hơn ở bên dưới: “thực sự Thiên Chúa không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Cv 17,27-28). Không dừng lại ở các thụ tạo, cũng không dừng lại ở thể lý con người, nhưng thánh nhân nhìn thấy được Thiên Chúa ở nơi sâu xa của con người.
Con người bị cuốn hút bởi vẻ bên ngoài, ở bề mặt. Chúa Giêsu nói thời ông Nôê, người ta dừng lại ở việc ăn uống, dựng vợ gả chồng; thời ông Lót, người ta dừng lại ở việc ăn uống, trồng trọt, xây cất (x. Lc 17,27-28). Điều tình cờ là hai đoạn trích ở trên rất giống nhau: 17,27-28, nhưng Luca thì cho thấy người ta dừng lại ở điều bên ngoài, còn Công Vụ thì cho thấy điều sâu xa bên dưới.
Còn trong cuộc sống thì người ta cố tình chọn những điều hời hợt, bên ngoài mà bỏ quên những điều sâu xa bên dưới! Điều này vẫn thường xảy ra trong cuộc sống của mỗi người. Người ta thích vẻ hào nhoáng bên ngoài của người khác. Người ta hài lòng khi được người khác tôn vinh. Người ta giành giựt chức vị, tìm kiếm ảnh hưởng trên người khác. Người ta tìm cách chiếm hữu thật nhiều của cải mà chà đạp tình người!
Hãy tìm kiếm những điều sâu xa hơn, người ta sẽ gặp được con người đích thực và sâu xa của mình, và rồi, người ta cũng gặp được Thiên Chúa nữa!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn