Hoa trái do từ Chúa, không do từ công trạng con người - Thứ Sáu Tuần VIII - Mùa Thường Niên

Hoa trái do từ Chúa, không do từ công trạng con người - Thứ Sáu Tuần VIII - Mùa Thường Niên

Hoa trái do từ Chúa, không do từ công trạng con người - Thứ Sáu Tuần VIII - Mùa Thường Niên

HOA TRÁI DO TỪ CHÚA, KHÔNG DO TỪ CÔNG TRẠNG CON NGƯỜI 

Hc 44,1.9-13; Mc 11,11-26 

Thứ Sáu Tuần VIII - Mùa Thường Niên, 02/06/2023

Câu chuyện Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ vẫn còn gây cảm giác lấn cấn về “bạo lực” nơi Chúa Giêsu! Cách trình bày của Tin Mừng Marcô hôm nay cho chúng ta hiểu về ý nghĩa tiên tri của hành động này. Trong Cựu Ước, người ta nói đến “hành vi tiên tri”, tức là những hành vi có vẻ lạ kỳ nơi các vị này khiến dân chúng thắc mắc, khi ấy vị tiên tri giải thích ý nghĩa mà Thiên Chúa muốn nói với họ. Ví dụ tiên tri Giêrêmia, giữa ban ngày, đeo hành trang của người đi xa trên lưng và khoét vách tường thành mà chui ra, để chỉ dân sẽ phải đi lưu đày!!! Vậy thì hành vi thanh tẩy Đền Thờ của Chúa Giêsu có ý nghĩa tiên tri gì vậy?

Câu chuyện cây vả chỉ có lá mà không có trái được chia làm đôi và đặt trước và sau câu chuyện thanh tẩy Đền Thờ. Đó chính là ý nghĩa của việc thanh tẩy này. Dân Do Thái như cây vả của Chúa, nhưng chỉ có lá mà không có trái. Đó là lối sống đạo xem ra sầm uất với những việc lễ bái, tuân giữ Lề Luật cách tỉ mỉ, hình thức, nhưng lối sống của họ thật xa Thiên Chúa, nên không sinh trái.

Chúa Giêsu có “quá quắt” lắm không khi tìm trái vả không đúng mùa của nó?! Marcô nói rõ: “vì không phải là mùa vả” (Mc 11,13). Ý nghĩa của nó là: hoa trái không phải là do thành tích giữ luật của con người, không phải do lễ tế, kinh hạt đầy đủ, nhưng do từ Thiên Chúa, do từ Đức Giêsu. Dân Do Thái không tin vào Đức Giêsu là Đức Kitô để đón nhận Ngài, thì không thể sinh quả được! Sinh quả không phải theo lịch, theo luật đã quy định, nhưng do đón nhận và gắn bó với Chúa Giêsu Kitô. Việc thanh tẩy Đền Thờ có nghĩa là từ nay, nền phụng tự cũ không còn thích hợp nữa. Hoa quả không phải là thành quả của công trạng con người, nhưng do từ Thiên Chúa. Phần cuối của câu chuyện cây vả nói đến niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa. Con người gắn bó với Thiên Chúa thì có được quyền năng thần linh để sinh hoa trái đích thực.

Phải chăng trong đời sống cá nhân và tông đồ, chúng ta quá chú trọng, quá tự hào về thành tích đạo đức của mình?! Tại vì thế mà trong lòng, tôi tự thấy mình hay, mình đạo đức, tôi hay phê phán cách cay nghiệt người khác, và lòng tự mãn làm cho lòng tôi đóng lại, không mở ra để nhận biết và sẵn sàng cho Thiên Chúa, cho chương trình của Ngài.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn