Hiểu được lòng Thiên Chúa và Lời của Ngài - Thứ Sáu Tuần XVI - Mùa Thường Niên

Hiểu được lòng Thiên Chúa và Lời của Ngài - Thứ Sáu Tuần XVI - Mùa Thường Niên

Hiểu được lòng Thiên Chúa và Lời của Ngài - Thứ Sáu Tuần XVI - Mùa Thường Niên

HIỂU ĐƯỢC LÒNG THIÊN CHÚA VÀ LỜI CỦA NGÀI 

Xh 20,1-17; Mt 13,18-23 

Thứ Sáu Tuần XVI - Mùa Thường Niên, 28/07/2023

“Theo đạo” không phải là theo một thứ tổ chức, một thứ nghi lễ hay phải tuân giữ một số luật lệ nào đó. Theo đạo là theo một Đấng. Sách Công Vụ nhiều lần dùng từ “Đạo” để chỉ những người tin theo Chúa Giêsu Kitô (x. Cv 18,26; 19,9.23; 22,4; 24,14.22). Chính Ngài cũng tự xưng mình là Đạo, là con đường đưa về cùng Chúa Cha. Phải hiểu được điều này thì mới đi vào chiều sâu của đạo là đến được với Thiên Chúa.

Người Do Thái qua nhiều thời đại chỉ nhìn về núi Sinai như là nơi Đức Chúa dạy họ phải tuân giữ Mười Giới Răn, mà quên mất rằng nơi đó, Đức Chúa đã lập một giao ước, tức là một tương giao thân tình với họ. Bản văn gốc dùng từ “Mười Lời” (x. Đnl 4,13; 10,4). Lời diễn tả ý muốn và tấm lòng của Đức Chúa. Trước khi dạy Mười Lời (x. Xh 20,1-17), Đức Chúa phán:

“Các ngươi thấy Ta... đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta.” (Xh 19,4-5).

Dụ ngôn các hạt giống cũng cho thấy các mức độ khác nhau trong sự gắn bó với Thiên Chúa: hoặc không quan tâm gì cả, hoặc chỉ vui vẻ nhất thời, hoặc bị lôi cuốn bởi các đam mê sự đời mà quên mất Thiên Chúa. Ngay cả các hạt giống gieo vào đất tốt cũng sinh những hoa trái khác nhau, hoặc 30, 60 hoặc 100, tuỳ theo mức độ đón nhận Thiên Chúa và lời của Ngài vào tâm hồn và cuộc sống.

Hiểu được lời Thiên Chúa tức là hiểu được ý nghĩ, tấm lòng Thiên Chúa. Theo đạo là theo Thiên Chúa, hiểu được tấm lòng của Ngài và sống hết lòng với Ngài. Chủ trương tối thiểu, cầm chừng, chỉ lo cho bản thân hoàn thiện cách ích kỷ... là không hiểu được lòng Thiên Chúa. Khi hiểu được tấm lòng Thiên Chúa dành cho mình, kitô hữu có thể vượt qua mọi gian nan trong đời sống. Tôi đã từng được nghe những trải nghiệm như thế của người này người kia, và cảm nhận đời sống đạo của họ thật hấp dẫn. Ngược lại, tôi cũng nghe những người giữ đạo tối thiểu và cảm thấy đời sống đạo thật là chán, và họ không vượt qua được những gian nan, chỉ toàn là than thở, trách móc Chúa và người khác! Hoa trái, sự vững vàng của đời sống tuỳ thuộc vào mức độ hiểu được lòng Thiên Chúa và dấn thân để sống cho Ngài.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn