Hiện diện cùng Giáo Hội đau khổ - Thứ Bảy Tuần VII - Mùa Phục Sinh,

Hiện diện cùng Giáo Hội đau khổ - Thứ Bảy Tuần VII - Mùa Phục Sinh,

Hiện diện cùng Giáo Hội đau khổ - Thứ Bảy Tuần VII - Mùa Phục Sinh,

HIỆN DIỆN CÙNG GIÁO HỘI ĐAU KHỔ !

Cv 28,16-20.30-31; Ga 21,20-25 

Thứ Bảy Tuần VII - Mùa Phục Sinh, 27/05/2023

Để kết thúc tuần cuối cùa mùa Phục Sinh, chúng ta được nghe phần cuối cùng của Tin Mừng Gioan. Ngoài Chúa Giêsu, hai nhân vật được nói đến là Phêrô và “người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến”. Sau khi nghe Thầy Giêsu mời gọi theo Ngài qua việc hy sinh mạng sống, ông Phêrô quay sang hỏi Thầy: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” (Ga 21,21). Thầy Giêsu trả lời Ngài có con đường riêng cho người này, phần ông thì cứ đi con đường của mình.

Tác giả Gioan viết Tin Mừng thứ tư vào cuối thế kỷ I, vào những năm 90-100. Đó là thời kỳ Giáo Hội bị bách hại khốc liệt ở khắp nơi. Ông là vị tông đồ sau cùng còn sống và đồng hành cùng Giáo Hội đau khổ đó. Và đó là một sự nâng đỡ vô cùng quý giá cho các tín hữu.

Chương 21 của Tin Mừng thứ tư có lẽ được viết thêm vào bởi môn đệ nào đó của ông Gioan, và tác giả phần này viết về ông Gioan như là tác giả của Tin Mừng thứ tư như sau: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.” (Ga 20,24). Như vậy, vai trò của ông Gioan mà Chúa Giêsu muốn là hiện diện cùng với Giáo Hội đau khổ vì bị thế gian loại trừ, và ông là chứng nhân về Chúa Giêsu như là sự bày tỏ của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu đối với mọi người, cả các tín hữu và những người bách hại họ!

Ý nghĩa ban đầu của từ “tử đạo” (martyr) là “làm chứng”. Tử đạo lưu ý đến người hy sinh tính mạng, còn làm chứng thì hướng về Đấng mà họ làm chứng cho là Chúa Giêsu Kitô. Cả hai ông Phêrô và Gioan đều làm chứng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, nhưng mỗi người mỗi cách, người này thì bằng mạng sống của mình, người kia lại bằng những đau khổ khi cùng đồng hành với những tín hữu khổ đau. Nhưng dù cách nào, đó vẫn luôn luôn là tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho Chúa Giêsu Kitô và cho con người.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn