Giáo Hội: Cộng đoàn được cứu độ - Thứ Bảy Tuần XII - Mùa Thường Niên

Giáo Hội: Cộng đoàn được cứu độ - Thứ Bảy Tuần XII - Mùa Thường Niên

Giáo Hội: Cộng đoàn được cứu độ - Thứ Bảy Tuần XII - Mùa Thường Niên

GIÁO HỘI: CỘNG ĐOÀN ĐƯỢC CỨU ĐỘ 

St 18,1-15; Mt 8,5-17 

Thứ Bảy Tuần XII - Mùa Thường Niên, 01/07/2023

Khi viết Giáo Hội là cộng đoàn được cứu độ, tôi không có ý nói thành phần Giáo Hội là những người ưu tuyển, hơn người khác, chỉ có mình mới được cứu độ còn những người ngoài thì không! Không phải thế. Tôi muốn nói về ơn cứu độ như một ân ban từ Thiên Chúa, và được cứu độ là một hành trình liên tục suốt cả đời người.

Sau Bài Giảng Trên Núi ở các chương 5 - 6 và 7, nơi đó Chúa Giêsu công bố Nước Trời, thì bây giờ, ở các chương 8 và 9, Tin Mừng Matthêô kể lại hành động của Chúa Giêsu mời gọi người ta vào Nước ấy. Những người được mời gọi không phải là những người “ưu tú” theo nghĩa Do Thái Giáo là giữ luật cách chỉn chu, nhưng là những người bị xem thường và loại trừ bởi giới Do Thái Giáo tự coi mình là ưu tú. Đó là người phong cùi, là viên sĩ quan ngoại giáo, là bà mẹ vợ già của ông Phêrô và mọi kẻ đau yếu. Những người được gọi là những người được chữa lành, được cứu thoát không phải do bởi điều gì từ chính họ, nhưng do ân ban của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Chuyện hai vợ chồng già Abraham và Sara có con trai là hoàn toàn ngoài khả năng của con người; đó là ân ban.

Một Giáo Hội được cứu độ. Điều này không chỉ được thực hiện một lần khi gia nhập Giáo Hội. Nhưng vì còn đang trên hành trình dương thế, các thành viên của Giáo Hội vẫn ngày ngày cảm nhận về sự giới hạn và yếu đuối của mình, và vì thế, họ vẫn tiếp tục cảm nhận hàng ngày, với những kinh nghiệm mới mẻ, về ơn cứu độ thần linh này. Muốn đi tìm, muốn thực hiện một Giáo Hội tinh tuyền, một Giáo Hội vô tì tích sẽ đưa tín hữu đến chỗ tự hào về thành tích đạo đức của mình, và do đó, tự tách mình ra khỏi những người được-cứu-độ-hàng-ngày, và như thế là đánh mất ơn cứu độ, bởi vì ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa.

Mỗi người trong chúng ta hiểu rõ về thân phận con người cần được chữa lành. Không phải chỉ là về sức khoẻ thể lý, nhưng còn là tâm lý và tâm linh. Chúng ta vẫn thường bị tổn thương bởi người khác và cũng không ít phen làm tổn thương người khác. Chúng ta cần được chữa lành như là nạn nhân và như là thủ phạm! Chúng ta vẫn phạm tội hàng ngày, vẫn chạy theo những đam mê và để cho đam mê, tính khí bất ổn chi phối mình hàng ngày. Kinh nghiệm tội lỗi ấy đưa đến ước muốn được chữa lành qua ơn tha thứ.

Chỉ những tâm hồn khiêm hạ mới được chữa lành bởi Thiên Chúa, bởi vì chính Chúa Kitô cứu độ chúng ta trong tư thế khiêm hạ: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.” (Mt 8,17).

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn