Gia đình và những khác biệt - Thứ Sáu Tuần XIV - Mùa Thường Niên

Gia đình và những khác biệt - Thứ Sáu Tuần XIV - Mùa Thường Niên

Gia đình và những khác biệt - Thứ Sáu Tuần XIV - Mùa Thường Niên

GIA ĐÌNH VÀ NHỮNG KHÁC BIỆT 

St 46,1-7.28-30; Mt 10,16-23 

Thứ Sáu Tuần XIV - Mùa Thường Niên, 14/07/2023

Có lẽ điều khó khăn nhất trong đời sống chung đó là đón nhận sự khác biệt và đón nhận cách tích cực nhất khi vận dụng được những khác biệt đó để làm nên sự phong phú. Ngay cả trong đời sống gia đình, sau thời gian tìm hiểu nhau, có khi sống thử nữa và thấy hợp với nhau, thì rồi khi về với nhau trong đời sống chung, qua năm tháng, người ta vẫn nhận ra giữa họ có nhiều khác biệt. Nếu không chấp nhận được những khác biệt, cả những giới hạn của nhau, thì người ta đi đến ly dị, còn nếu không, thì người ta đành phải sống với nhau trong đau khổ của sự chịu đựng lẫn nhau!

Gia đình ông Giuse đã vượt qua những bất đồng do sự khác biệt và ganh tị trong gia đình. Ông Giacóp có hết thảy 12 con trai và 1 con gái. Trong số 12 con trai thì có 6 là con của vợ cả là Lêa, 2 là con của nữ tì của Lêa; 2 là con của Rakhen, em của Lêa, 2 là con của nữ tì của Rakhen. Giữa các bà mẹ và những người con có những sự ghen tị nhau. Ông Giuse và Bengiamin là hai anh em con của bà Rakhen hiếm muộn được sinh ra trong tuổi già, nên được ông Giacóp yêu mến hơn. Và chính điều này cũng lại gây ra những ganh tị giữa anh em họ với nhau, nên sinh ra việc loại trừ Giuse. Những khác biệt và thù oán giữa họ đã được ông Giuse hoá giải bằng sự tha thứ và cưu mang anh em và toàn thể gia đình. Chính điều đó đã đưa đến sự đoàn tụ của gia đình bên Ai Cập và Chúa đã chúc phúc cho họ trở nên đông đúc.

Mỗi người luôn có những khác biệt với người khác, còn nếu không thấy khác biệt, thì có nghĩa là mỗi người không được hay không dám sống sự khác biệt của mình. Điều phải làm không phải là san bằng, xoá đi khác biệt, nhưng là đón nhận những khác biệt của nhau, ngay cả những giới hạn của nhau, những giới hạn cần thời gian để vượt qua, mà cũng có khi không thể vượt qua được. Vậy thì chỉ có thể đón nhận những khác biệt, những giới hạn của nhau để mà sống tốt hơn, bình an hơn.

Tại sao chúng ta không tìm cách phối hợp giữa những khác biệt nhau, tại sao chúng ta không có tấm lòng lớn hơn để đón nhận những giới hạn của nhau, để cưu mang nhau?! Chúng ta không thể sống một mình, bởi vì khuynh hướng tự nhiên của con người là sống tương quan với nhau. Vậy thì chính khi tìm cách “làm hoà” giữa những khác biệt, tìm cách cưu mang nhau bằng tấm lòng lớn, đó là lúc mà chúng ta sống cuộc đời mình với người khác cách hạnh phúc. Khi những khác biệt được đón nhận, mỗi người có thể phát triển như mình là, với những ân ban riêng của Chúa. Khi những giới hạn được cưu mang, người ta tìm được nơi để “neo thuyền”, để vượt qua những sóng gió trong cuộc sống.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn