Khi các cộng đoàn kitô hữu được hình thành từ dân ngoại thì xảy ra chuyện kiện cáo giữa các kitô hữu với nhau và họ đưa nhau ra toà đời. Thánh Phaolô coi đó là một ô nhục vì các kitô hữu đã trở thành dân Thiên Chúa mà còn theo thói đời, hơn nữa còn mang nhau ra toà đời để kiện cáo! Những điều như thế vẫn diễn ra ngày nay ngay giữa các kitô hữu. Khi chia gia tài thì dù là gia đình kitô giáo hay không, cũng sinh ra kiện cáo, chửi mắng nhau và tình nghĩa gia đình không còn nữa! Khi đụng đến quyền lợi, đến đất đai, thì người Công Giáo cũng đi lừa nhau. Có khi giáo dân lừa đảo linh mục, chiếm dụng đất của nhà dòng, nhà thờ. Thế mới thấy theo đạo thì dễ, còn thay đổi từ lối sống trần tục sang lối sống của Tin Mừng mới là điều khó. Trong các cộng đoàn đức tin, người ta vẫn cứ lên án nhau, chỉ trích nhau…! Đó thực sự là một nỗi ô nhục cho các kitô hữu!
Mười hai môn đệ được Đức Giêsu chọn riêng để trở thành tông đồ. Họ được thánh hiến để thuộc về Đấng Kitô, được chọn cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian, nhưng họ vẫn đầy những ghen ghét, tham vọng! Chỉ khi họ chứng kiến Thầy Giêsu của mình hạ xuống cho đến tận cùng nơi cuộc khổ nạn, các ông mới nhận thức rằng mình không thể sống khác Thầy Giêsu được.
Trong các cuộc cãi vã, ai cũng cho mình là đúng cả, ai cũng muốn mình thắng, mình ở trên, mình đáng khâm phục… Nhưng người ta không nhìn về Đức Giêsu. Ngài đã tự ý đi vào chỗ cuối hết. Anh Charles de Foucauld viết rằng: khi tôi tìm chỗ cuối hết để ngồi thì tôi vẫn cứ thấy Đức Giêsu ở đàng sau tôi.
Đức Giêsu Kitô không bao giờ chịu thua tôi về sự hèn mọn! Ngài luôn hạ mình thẳm sâu. Và đó chính là cách để xây dựng hoà bình và tình huynh đệ. Hãy nhìn lại xem khi xảy ra bất hoà, tranh cãi, tôi ở vào vị trí nào?
“Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi?” (1Cr 6,7).
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn