Chúng ta trở lại với lời khích lệ của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: “Đừng sợ!” (Mt 10,26. 28. 31). Lời này được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nhắc lại thường xuyên trong giáo huấn của ngài, nhất là dành cho giới trẻ. Trong suốt chương 10 này, khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng báo trước cho họ về sự từ khước, và hơn nữa, sự loại trừ, sự bách hại của người khác trước lời loan báo của các ông. Sự từ khước và loại trừ ấy còn diễn ra giữa những người trong cùng một gia đình nữa! Nhưng điều ấy cũng không lạ gì, bởi vì chính nội dung sứ điệp của Chúa Giêsu đã mang đến sự chia rẽ này vì nó khác với suy nghĩ của con người, đến độ Ngài ví von rằng Ngài đến mang gươm giáo chứ không phải hoà bình (x. 10,34)!
Sự sợ hãi là cảm xúc khá thường xuyên trong tương quan giữa con người với nhau: sợ người khác biết những giới hạn của mình, sự bị từ khước, sợ không được yêu mến...! Chúng ta cần được người khác nhìn nhận. Tiên tri Giêrêmia khá đau khổ khi được sai đi rao giảng lời của Chúa, nhưng lại bị người ta từ khước và còn ném đá ông suýt chết! Điều ấy khiến ông muốn Chúa làm sáng tỏ về sự đúng đắn của ông và trị tội những người kia!
Chúa Giêsu dạy các môn đệ cũng như chúng ta cần xác tín vào lời Ngài để dám sống theo, dám nói về những lời ấy, bất chấp người ta có đón nhận hay không. Hơn nữa, Ngài cũng mời gọi chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa để không sợ hãi trước những bất trắc khi đi theo con đường của Ngài.
Chúng ta cũng thường sợ hãi khi người khác biết những giới hạn của mình. Thánh Phaolô nói rằng chúng ta sống trong thời của ân sủng, của ơn tha thứ nơi Chúa Giêsu Kitô. Nếu những khuyết điểm của mình là thật, thì cần nhìn nhận chúng để có thể đón nhận ơn tha thứ, chứ tại sao lại phản kháng, lại che đậy, và do đó mà sợ hãi người khác! Đối diện với sự thật về những giới hạn của mình, để không sợ hãi và tiến lên phía trước.
Tin vào chân lý của Chúa để dám sống theo.
Tin vào sự quan phòng của Chúa để phó thác cuộc sống cho Ngài.
Tin vào ơn tha thứ của Chúa để thanh thản trước giới hạn của mình và trước những lời phê bình hay sự nhìn nhận của người khác.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn