Đón nhận được sự khác biệt - Thứ Ba Tuần IV - Mùa Phục Sinh

Đón nhận được sự khác biệt - Thứ Ba Tuần IV - Mùa Phục Sinh

Đón nhận được sự khác biệt - Thứ Ba Tuần IV - Mùa Phục Sinh

ĐÓN NHẬN ĐƯỢC SỰ KHÁC BIỆT 

Cv 11,19-26; Ga 10,22-30 

Thứ Ba Tuần IV - Mùa Phục Sinh, 02/05/2023

Từ ngữ Công Giáo được dịch bởi từ “catholic” nói lên ý nghĩa đón nhận được những khác biệt (including a very wide variety of things, Longman Dictionary, https://www. ldoceonline.com/dictionary/catholic). Và tính chất đó được thể hiện ở những bước đầu của Kitô Giáo khi mở rộng biên giới ra khỏi dân Do Thái. Những kitô hữu đầu tiên phải bị phân tán đi khắp nơi do bị bách hại. Có nhiều người đã đi về Antiôkia, trong số đó, những người Do Thái thì rao giảng cho những người Do Thái khác, còn những kitô hữu trước kia cư ngụ ở Sýp (Cypre, là quê hương của ông Barnaba) và Kyrênê (Cyrene, quê hương của ông Simon vác đỡ thập giá cho Đức Giêsu) thì giảng cho những người Hy Lạp nữa, bởi vì họ đã quen với nền văn hoá này. Thế là họ hình thành một Giáo Hội với các thành phần đa dạng tại Antiôkia. Ông Barnaba được cử đến xem xét tình hình. Vì là người cư ngụ bên ngoài nước Do Thái, theo văn hoá Hy Lạp, nên ông này cởi mở hơn, và đã nhận ra công trình của Thiên Chúa nơi Giáo Hội Antiôkia này. Cũng vì sự cởi mở này mà ông đón nhận được ông Saolô, dù ông này đang bị các kitô hữu lo sợ về thành tích bắt bớ kitô hữu của ông!

Tin Mừng thì cho thấy cái nhìn rất hạn hẹp của người Do Thái khi đối diện với Chúa Giêsu: họ không đón nhận được những gì khác biệt với những điều được gọi là truyền thống từ cha ông! Đầu óc duy truyền thống ấy đi quá xa đến độ có lần Chúa Giêsu nói: các ông giữ lấy truyền thống của cha ông mà loại bỏ luật của Thiên Chúa (x. Mt 15,3)! Đứng trước những cái nhìn sơ cứng, những tấm lòng sơ cứng ấy, Chúa Giêsu nói: chỉ có chiên của tôi mới nghe được tiếng tôi (x. Ga 10,27).

Thiên Chúa thì đầy sáng tạo và tự do. Ngài đi những con đường mà con người không đoán trước được. Làm kitô hữu không phải là tuân giữ chặt chẽ luật lệ, thói quen, truyền thống, nhưng phải là những con người luôn mở ra cho những con đường mới lạ của Thiên Chúa, bởi vì kitô hữu được Giáo Hội sơ khai gọi là “môn đệ” mà. Môn đệ thì phải nghe Thầy Giêsu. Muốn sống đúng nghĩa là kitô hữu thì phải là người biết nghe, biết mở mắt ra! Nếu không, kitô hữu có thể dễ dàng trở thành những người phản kháng công trình của Thiên Chúa! Điều thiếu xót của việc huấn luyện kitô hữu là không huấn luyện cho họ biết lắng nghe Thiên Chúa! Chỉ những ai biết nghe Chúa Giêsu thì mới thật sự là chiên của Người.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn