Đôi tay mở ra
Xh 14,5-18; Mt 12,38-42
Thứ Hai Tuần XVI - Mùa Thường Niên, 21/07/2025
Có một thời, khi khuynh hướng vô thần lớn mạnh, người ta nói rằng: Thiên Chúa chỉ là sự phóng chiếu của con người. Con người mong ước điều gì vượt ngoài tầm tay thì họ gán cho Thiên Chúa điều đó để cầu xin. Con người mong ước điều gì tốt đẹp, thì họ vẽ ra một vị Thiên Chúa tốt đẹp như vậy để cố gắng đi tới. Cách giải thích này là một hình thức phóng chiếu từ chính bản thân mình, và nói chung, họ chỉ thấy có một thực tại duy nhất thôi là chính mình. Cũng vì lấy mình làm điểm quy chiếu và điểm xuất phát mà người ta nhìn về tha nhân từ nhãn quan và lợi ích của bản thân mình.
Hai cách nhìn về Thiên Chúa và về tha nhân này không phải là không tìm thấy nơi tín hữu của các tôn giáo. Người ta muốn “tạo dựng” Thiên Chúa theo hình ảnh của chính mình và nhìn về tha nhân theo cách suy nghĩ, theo lợi ích của bản thân mình. Ngay cả trong một đời sống mà người ta gọi là đạo đức, tuân giữ luật lệ cách khắt khe, thì người ta vẫn muốn hình thành bản thân như một con người gương mẫu và chủ đích cũng là “được thưởng trên nước thiên đàng”.
Khuynh hướng tự quy này là điều rất thường thấy và cũng là điều sai lầm căn bản nhất. Tin theo đạo, sống đạo không dừng lại ở bản thân, nhưng là đi vào tương quan với Thiên Chúa và sống tương quan với tha nhân. Nếu hiểu và sống được như thế, kitô hữu sẽ vượt qua được một đời sống đạo yếu kém khi đóng lại nơi chính mình. Họ không mở ra với Thánh Thần nên không thể nhận ra hoạt động của Ngài và dễ phản kháng những gì khác với suy nghĩ trước nay của mình. Vì khép lại nơi bản thân nên người ta cũng dễ phản kháng người khác và đòi họ phải làm theo ý mình. Đây là những điều rất thường xuyên thể hiện trong đời sống đạo của cá nhân, của các cộng đoàn đức tin. Vì chỉ tập chú vào chính mình nên người ta có thái độ tự tôn hoặc tự ti gây ra biết bao hậu quả xấu. Chỉ khi mở ra khỏi chính mình, sống được mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, và tìm thấy được cuộc đời của chính mình trong các mối tương quan ấy, thì đó mới là đời sống đạo. Đôi tay mở ra, đó là đời sống đạo.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn