Khi cần thiết phải có những thay đổi thực hành trong các giáo xứ, các giám mục, linh mục thường muốn có một thay đổi đồng loạt, cùng lúc, để tránh những dị nghị, phen bì của dân xứ này với xứ kia! Trước đề nghị: trong lễ cưới, cô dâu chú rể không nên đọc Sách Thánh, nhưng ngồi dưới như là người lắng nghe Lời ấy nói cho chính họ trong ngày cưới của họ, thì có nhiều phản ứng từ phía các linh mục vì sợ phản đối từ những người liên hệ đến gia đình đôi tân hôn, vì người ta muốn bước lên cung thánh, muốn có những bức ảnh đẹp...! Trong một giáo xứ, những nhóm đồng hương cạnh tranh, phen bì nhau! Những điều khác tương tự khiến tôi suy nghĩ về một đời sống đức tin nông cạn, dừng lại ở những hình thức bề ngoài, những điều lặt vặt. Nhưng khốn nỗi, đời sống tôn giáo cá nhân và cộng đoàn lại cứ vướng vào những điều linh tinh chẳng đáng gì ấy!
Thánh Phaolô kêu mời các tín hữu: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12,2). Thánh Phaolô dùng cụm từ “rập theo” đời này. Từ conform (συσχηματίζεσθε = be conformed) có gốc từ form, có nghĩa thông thường là hình thức, hình dạng. Tuy nhiên, từ ngữ Hy Lạp này phải được hiểu dựa trên nền của triết học Hy Lạp, nó có nghĩa là mô thể (forma), đối xứng với từ materia nghĩa là chất thể. Forma là điều làm cho vật này khác với vật kia, tức là liên quan đến căn tính, đến điều sâu xa làm nên một sự vật. Như thế, thánh Phaolô không muốn nói đừng theo những hình thức bên ngoài của thế gian, nhưng nói phải thay đổi điều sâu xa mang tính thế gian. Thánh nhân nói “đổi mới tâm thần (mind)”, tức là thay đổi ngay từ não trạng, từ cách suy nghĩ của mình.
Phải đặt nền trên những điều sâu xa, đời sống con người mới đứng vững được. Tiên tri Giêrêmia, vì được sai đi loan báo những tai hoạ nếu dân không trở về với Thiên Chúa, nên ông bị dân chúng ghét, và có phen đã ném đá ông! Vì thế, ông buồn phiền và nói với Thiên Chúa rằng sẽ không nói lời Chúa nữa. Nhưng rồi ông cũng nhận ra rằng: "lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20,9) Chính sự gắn bó sâu xa với Thiên Chúa khiến ông kiên vững trong sứ vụ bị ghét bỏ như vậy! Ông Phêrô, nếu vì được Chúa Cha mạc khải mà có thể thốt lên Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (x. Mt 16,17), thì điều đó vẫn chưa đi vào xác tín sâu xa, nên ngay sau đó ông trở thành người cản trở Đức Giêsu đi con đường thập giá, và Ngài nói: “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16,23). Tư tưởng chưa đổi, nên những thứ khác chỉ dừng lại ở bề mặt!
Đời sống kitô hữu bị nguy cơ là vẫn dừng lại ở bề mặt, chưa đi vào tâm hồn, nên chỉ có những đổi mới nửa vời, do đó, cũng sinh ra những bất ổn nơi đời sống cá nhân và cộng đoàn! Phải đổi mới tự tâm can. Cuộc sống cần dựa trên nền của những điều sâu xa.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn