Dày dạn trước những giới hạn - Chúa Nhật Tuần XIV - Mùa Thường Niên

Dày dạn trước những giới hạn - Chúa Nhật Tuần XIV - Mùa Thường Niên

Dày dạn trước những giới hạn - Chúa Nhật Tuần XIV - Mùa Thường Niên

Dày dạn trước những giới hạn

Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6

Chúa Nhật Tuần XIV - Mùa Thường Niên

07/07/2024

 

Người ta thích thú trước thành công và sợ hãi, thất vọng trước thất bại. Người ta muốn chiến thắng, muốn thể hiển quyền lực, ảnh hưởng của mình trên người khác. Còn khi thất bại, người ta nổi giận với người khác, suy sụp và có khi hủy hoại mạng sống nữa! Những nỗ lực hàng ngày của người ta cũng mang nhiều dấu vết của sự chinh phục: kiếm tiền nhiều để thể có thể có ảnh hưởng trên người khác, muốn bao bọc, muốn là người thi ân trên người khác, muốn gây ảnh hưởng, muốn người khác yêu mến mình và vây quanh mình... Nói chung, ai cũng muốn thành công, không ai muốn thất bại. Do đó, người ta cảm thấy khó khăn khi đối diện với giới hạn của mình. Nhưng những thất bại, những giới hạn của bản thân lại làm cho người ta trở nên dày dạn, nên trưởng thành rất nhiều.

Ông Phaolô phải đối diện với đau khổ khi những người đồng chủng với ông không tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô. Ông đã đưa bao nhiêu dân ngoại đến với đức tin và thành lập nhiều giáo đoàn, nhưng dường như ông thất bại trước người Do Thái! Nhưng điều đó làm cho ông nhận biết giới hạn của mình để tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Mà chính Thiên Chúa có vẻ như cũng thất bại. Tiên tri Êdêkien nói về dân Do Thái là “những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá” (Ed 2,4), là một dân phản nghịch luôn chống đối Thiên Chúa (x. 2,3). Đức Giêsu cũng thế. Ngài bị từ khước bởi dân Do Thái, ngay cả những người đồng hương Nadarét của Ngài cũng không muốn tin. Đức Giêsu trên thập giá chính là bằng chứng về sự thất bại ấy!

Nhưng thái độ trước thất bại, trước những giới hạn mới làm cho người ta trưởng thành lên. Không cáu giận khi người khác không nghe lời mình; không nản chí khi người khác cứ trơ trơ, không thay đổi khi mình đã nói biết bao nhiêu lần; không dễ bị tổn thương trước lời nói, thái độ của người khác; không khư khư giữ lấy ý mình khi ý người khác trổi vượt hơn... Đối diện thẳng thắn với khuyết điểm của mình cách bình an, bình tĩnh vì mình không đủ sức lay chuyển người khác... sẽ làm cho mình khiêm tốn và nhận ra mình cần Chúa. Đối diện với cách đối xử tệ bạc của người khác bằng tình thương như Chúa Giêsu trên thập giá, đó là sức mạnh trong sự yếu đuối, là đối diện bằng sức mạnh của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn