Giữa Chúa Giêsu và các người lãnh đạo Do Thái thường có những cuộc tranh luận về cái bên ngoài và cái bên trong. Nguy cơ dừng lại ở hình thức bên ngoài là nguy cơ suốt dòng lịch sử Do Thái giáo. Cuộc tranh luận được nghe đọc trong phụng vụ Lời Chúa hôm qua và hôm nay khởi đi từ việc các môn đệ của Chúa Giêsu không rửa tay trước bữa ăn. Bài tường thuật cũng không nói là Chúa Giêsu có rửa tay hay không. Như thế, cũng có thể hiểu rằng: khi những người kia nói với Chúa Giêsu rằng các môn đệ của Ngài không rửa tay, có khi cũng ngầm ý nói rằng chính Ngài cũng không!
Việc rửa tay sau khi đi bên ngoài về, nhất là khi đi chợ, vì có thể có những tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với người ngoại giáo. Nghi thức rửa tay này có ý nhắc người Do Thái tránh những cách sống mang tính chất ngoại giáo. Nhưng rồi điều ấy trở thành một thứ nghi thức bên ngoài. Và nhất là, dù Do Thái hay dân ngoại, người ta đều bị thói xấu là chỉ dừng lại ở hình thức! Với các thờ tự ngoại giáo, khuynh hướng hình thức rất rõ ràng. Chỉ cần tế lễ thú vật cho thần linh là thần linh thoả mãn và tuỳ ý con người sống sao cũng được! Người Do Thái cũng bị cám dỗ nghĩ rằng Thiên Chúa cũng hài lòng với những nghi lễ bên ngoài như vậy, với việc tuân giữa luật lệ tỉ mỉ như vậy!
Đoạn trích sách Các Vua quyển I mô tả về sự tráng lệ của Đền Thờ Giêrusalem, sự giàu sang của các cung điện và sự khôn ngoan của vua Salômôn. Đó là niềm tự hào của dân Do Thái. Tuy nhiên, bản văn có câu “vua Salômôn nổi tiếng vì danh Đức Chúa” (1V 10,1), mà nhiều bản văn lưu truyền lại đã không ghi câu ấy! Phải chăng, trong quá trình hình thành bản văn, có những người đã muốn lưu ý rằng: những điều mà vua Salômôn có và làm nên danh tiếng cho ông đều phải dựa trên nền tảng là có Đức Chúa.
Khuynh hướng đề cao cái bên ngoài, tìm kiếm danh dự trước mặt người đời, chỉ tìm lời tán dương từ người khác, tự lừa dối mình khi bình an với những việc được người khác công nhận… là cám dỗ chung của con người, và trở thành nguy cơ với các tín hữu. Người ta đặt trọng tâm vào những chi tiết vì người ta không có cái gì lớn hơn, quá lưu tâm vào các nghi thức vì tâm hồn người ta không có gì sâu sắc hơn, người ta tìm kiếm sự nhìn nhận của người khác vì không đủ tự tin vào giá trị của mình trước mặt Thiên Chúa… Vậy hãy đi tìm điều sâu hơn, điều lớn hơn và đặt nền đời sống nơi Thiên Chúa, thì người ta sẽ biết hình thức bên ngoài nên dừng ở đâu.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn