Đạo "phơn phớt" - Thứ Sáu Tuần XVI - Mùa Thường Niên

Đạo "phơn phớt" - Thứ Sáu Tuần XVI - Mùa Thường Niên

Đạo "phơn phớt" - Thứ Sáu Tuần XVI - Mùa Thường Niên

Đạo "phơn phớt"

Gr 3,14-17; Mt 13,18-23

Thứ Sáu Tuần XVI - Mùa Thường Niên

26/07/2024

 

Tiên tri Giêrêmia thi hành sứ vụ vào thế kỷ 6 tCN. Ông nói rằng nếu dân chúng không trở về với Chúa, không thay đổi lối sống bất công với người nghèo, thì dân sẽ bị đi lưu đày Babilon. Lúc ấy Đền Thờ sẽ bị phá hủy cùng với Hòm Bia Giao Ước! Rồi Thiên Chúa sẽ phục hồi dân này. Lúc ấy không cần đến Hòm Bia nữa, mà Đức Chúa sẽ ngự trị trên toàn thể Giêrusalem.

Dân chúng coi Hòm Bia như phù phép hộ phù, bất kể lối sống xem thường Lề Luật của Ngài. Họ cúng tế để được phù hộ trong lối sống đàn áp người nghèo. Không hề có thứ lòng đạo thực sự, mà chỉ là một thứ “đạo phơn phớt” bên ngoài! Đạo không ảnh hưởng vào cuộc sống của họ!

Một cách diễn tả khác, Đức Giêsu gọi đó những thứ đạo bên vệ đường, trên đá sỏi, trong bụi gai. Tất cả đều là chóng qua, nông cạn và bị phủ lấp bởi những đam mê khác. Đạo thực sự phải đâm rễ sâu vào tâm hồn và ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của tín hữu thì mới được. Đó là lúc mà Thiên Chúa ngự trị trên toàn thể cuộc sống và cuộc đời của tín hữu, đó mới là sống đạo thực sự.

Nói cách khác, nếu Tin Mừng chỉ hiện diện “manh mún”, tức là lẻ tẻ vài nơi trong đời sống đạo, thì đời sống đạo ấy chẳng đến đâu. Nếu đạo chỉ ở nhà thờ, khi sinh hoạt hội đoàn, mà trong công việc đầy những mưu mô để hưởng lợi bất chính, cư xử với tha nhân thì la mắng, chửi rủa, chì chiết, mỉa mai... thì manh mún quá, nông cạn quá!

Tin Mừng phải thực sự biến đổi con người, ngày càng “phủ sóng” trên toàn bộ ngày sống, trên cuộc đời thì mới thực sự là sống đạo. Đừng dành “vùng cấm” của cuộc đời khi đối diện với Tin Mừng. Đừng nói “tính tôi thế” hay “điều này khó lắm”... Tin Mừng cần đi vào chỗ nào mà tôi không muốn, vì đó mới thật là chỗ cần đến Tin Mừng. Tin Mừng sẽ làm cho cuộc đời tôi thay đổi thực sự, và hạnh phúc sâu xa sẽ đến cho người mở rộng vòng tay cho Tin Mừng.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn