Cứng lòng tội lỗi và cứng lòng đạo đức
Cv 4,13-21; Mc 16,9-15
Ngày thứ bảy trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, 26/04/2025
Tại sao lại có loại gọi là “cứng lòng đạo đức”?! Các bài Sách Thánh hôm nay trình bày về hai loại cứng lòng: cứng lòng trong tội lỗi và cứng lòng đạo đức. Đối diện với phép lạ tỏ tường do các tông đồ làm cho một người thương tật được đứng thẳng lên và nhảy tung tăng, các vị lãnh đạo Do Thái biết mình không thể phủ nhận, và họ cũng lo sợ dân chúng nếu chống lại các tông đồ. Tuy nhiên, họ cũng không muốn nhìn nhận sai lầm của mình khi giết Đức Giêsu, nên cũng không muốn nhìn nhận ông Giêsu ấy đã sống lại và làm nên phép lạ này! Họ đe doạ các tông đồ và tìm mưu kế khác để chống lại các ông. Họ là những người cứng lòng trong tội lỗi. Sai lỗi nhưng không dám nhận mình sai, lại còn tự bảo vệ mình bằng cách chống lại những người làm đúng, làm tốt! Dạng này không hiếm trong đời sống hàng ngày ở nhiều bình diện lớn nhỏ khác nhau.
Còn một loại cứng lòng nữa, tạm gọi là “cứng lòng đạo đức”, đó là trường hợp của những người nghe lời chứng của các chứng nhân đã trực tiếp gặp gỡ Đấng phục sinh, nhưng họ vẫn không chịu tin. Đức Giêsu hiện ra và trách sự cứng lòng của họ (xem bài Tin Mừng). Đây là trường hợp cần chúng ta suy nghĩ thêm.
“Sự cứng lòng đạo đức” thể hiện qua hình thức của những người muốn ở lại trong lối suy nghĩ cũ, trong lối sống đạo đức quen thuộc, hững hờ với những tia sáng, những khích lệ đi xa hơn nữa đến từ người khác. Có khi họ phản kháng với những người tích cực, những người khai mở những cánh cửa mới, chỉ nhằm bảo vệ cho sự yên ổn bấy lâu nay của mình được tự gán cho là đạo đức! Nhưng làm như thế là họ khước từ một Thánh Thần như gió và lửa luôn sinh động và đầy lòng mến, luôn đi tới, luôn dẫn đường phía trước! Như thế thì họ đang phớt lờ Thánh Thần và hoạt động của Ngài. Một thứ “đạo đức của ghế bành” muốn yên vị, muốn được tôn vinh, được nhìn nhận trong lối đạo đức cổ truyền có khi đi đến độ cổ hũ của mình, thì không phải là những người tin vào Đấng phục sinh và không bước theo Thánh Thần của Đấng ấy! Đấng phục sinh đưa ra một cái hẹn ở phía trước cho các tông đồ và cho các tín hữu nữa:
“Đức Giêsu nói với các bà: ‘Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó... Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến.” (Mt 28,10 và 16).
Đức Thánh Cha Phanxicô đẩy mạnh trong Giáo Hội một lối sống theo phân định về những hoạt động của Thánh Thần trong dòng lịch sử. Đức Phanxicô mong muốn một Giáo Hội dấn thân về phía trước, dấn thân cho người nghèo, người bị loại trừ, dù điều đó có thể làm cho Giáo Hội “bị lấm lem”, nhưng đó là một Giáo Hội với mùi của đoàn chiên.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn