Thiên Chúa được gọi là “Đấng chịu đựng lỗi lầm” , tha thứ và trung tín trong tình yêu thương (Mk 7,18-20). Chúa Giêsu diễn tả điều đó qua dụ ngôn Tình Phụ Tử.
Khi đứa con phung phá trở về, người cha đã thấy từ xa, chạy ra ôm hôn con, không cần chờ con nói lời xin lỗi và đã nhanh chóng sai đầy tớ làm thịt con bê đã vỗ béo để mừng con trở về. Con bê đã vỗ béo (the fattened calf) nói lên rằng người cha đã chờ đợi và chuẩn bị sẵn sàng cho đứa con sẽ trở về. Không biết ông đã vỗ béo bao nhiêu con bê rồi thì đứa con mới trở về?! Người con phung phá này nhận được niềm vui lớn từ lòng cha.
Còn người con lớn ghen tị với con bê béo ấy và nói rằng không thấy cha cho mình dù một con dê nhỏ để thưởng cho sự trung thành “làm tôi tớ” cho cha và để anh vui với bạn bè. Từ ngữ douleuō (δουλεύω) có nghĩa là phục vụ (serve) hoặc làm tôi tớ (be a slave). Anh đã sống như một người tôi tớ chờ trả công. Vì thế, anh đã kêu trách cha và ghen tị với em mình. Nhưng người cha đã giải thích: anh là con cái nên những gì của ông cũng là của anh, và hai đứa là anh em với nhau nên niềm vui đứa em trở về cũng phải là niềm vui của người anh nữa chứ!
Có khi tình thương, sự tha thứ, lòng nhân ái dành cho người này lại làm cho người khác khó chịu, bực mình! Lòng ưu ái, sự ưu tiên, phần lớn hơn dành cho “người yếu” lại làm cho người khác phen bì, ganh tị. Ganh tị vì con dê nhỏ so với con bê béo! Người ta nghĩ đến phần lợi cho mình, đong đo phần mình được hưởng. Trong tâm thế đó, người ta không thể hiểu được Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn dành sự rộng lượng, lòng yêu mến nhiều hơn cho người nghèo, cho tội nhân, cho người yếu thế. Chỉ khi tôi biết nghĩ đến người khác, cảm được khó khăn của người khác, thì tôi mới có thể hiểu được Thiên Chúa, mới cảm nhận tấm lòng của Ngài.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn