Khi người ta từ chối chân lý thì sinh ra bạo lực. Cuộc sống, nhất là cuộc sống hôm nay, người ta vừa biểu hiện nhiều tính chất gian dối, nhưng chính cuộc sống ấy cũng là một cuộc tra vấn về sự thật. Gian dối qua các kế hoạch -ngay cả những kế hoạch mang tính vì dân vì nước-, tham nhũng-đút lót, chất lượng kém, quảng cáo... Bên cạnh đó là những điều tra, vạch trần, truy tố, tù tội... Cha mẹ dạy con phải sống chân thật, nhưng trong cuộc sống, khi làm ăn, họ lại gian dối, làm cho con cái không tin tưởng cha mẹ hoặc lại bắt chước cha mẹ! Chính vì tính chất đấu tranh giữa gian dối và sự thật như vậy mà sinh ra bạo lực. Bạo lực để che đậy sự thật, bạo lực để truy tố gian dối!
Vua Hêrôđê muốn bảo vệ quyền lợi của ngai vàng nên nói dối với các đạo sĩ rằng nếu tìm thấy vị vua mới sinh thì cho ông biết, để ông cũng đi triều bái ngài. Nhưng sự gian dối ấy bị thiên thần nói cho các đạo sĩ biết, nên họ không trở lại với vua. Để giữ an toàn cho vương quyền, ông đã ra lệnh tàn sát các trẻ em ở Belem từ 2 tuổi trở xuống. Một cuộc tàn sát khủng khiếp!
Cuộc đấu tranh giữa sự gian dối và sự thật diễn ra ở ngay nơi bản thân mỗi người. “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.” (1Ga 1,8). Người ta sợ người khác biết về điều sai, về cái dở của mình nên tìm cách tỏ ra thế này hay thế khác. Sự gian dối hay thái độ không dám đối diện với giới hạn của mình làm người ta bất an nơi chính bản thân mình. Người trưởng thành là người bình an được với những ưu điểm và những giới hạn của bản thân.
Chính sự giả dối cơ bản từ nơi bản thân này cũng gây ra rất nhiều thứ bạo lực trong đời sống hàng ngày mà không mấy ai tránh khỏi! Người ta cãi nhau để chứng tỏ mình đúng, người ta lo lắng tìm cách biện minh cho chính mình, không ít lần người ta la mắng để “lấp miệng” người khác, và có khi tìm cách loại trừ người khác nữa!
Dám đối diện với sự thật và đối diện cách bình an về những giới hạn của mình, sẽ khiến người ta ý thức mình cần đến người khác và tạo nên sự hòa hợp với nhau cách tốt nhất và làm nên cùng một vận mệnh.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn