Có người nói rằng bóng thánh giá đã xuất hiện bên máng cỏ khi nói về việc Đức Giêsu đã bị tìm giết ngay từ khi mới sinh ra nơi biến cố các nhà đạo sĩ đến thờ lạy Ngài. Phụng vụ cũng diễn tả điều này khi đặt lễ thánh Stêphanô tử đạo vào ngày 26/12, là ngày hôm sau của lễ Giáng Sinh. Nơi cuộc đời Chúa Giêsu và các thánh, người ta nhận ra rằng sự sống và cái chết đi cùng với nhau. Thánh Stêphanô bị giết chết như vị tử đạo tiên khởi, như hoa quả đầu mùa sau cuộc Vượt Qua, tức là cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Khi sắp bị giết chết, thánh Stêphanô nhìn thấy Đấng là nguồn sống đang ở bên hữu Chúa Cha. Sự sống và cái chết luôn đi cùng với nhau.
Sự hoà quyện cách mầu nhiệm này không chỉ thấy được trong cuộc đời của Chúa Giêsu và các thánh, nhưng còn là mầu nhiệm rất hiện sinh được thể hiện trong cuộc đời của mỗi người trên dòng đời. Cần cảm nhận được sự sống ngay trong cái chết và cần biết chết đi để có thể có được sự sống.
Khi người ta chiếm hữu cho mình bằng mọi giá, tưởng rằng làm như thế là mình được sống sung túc, được thoả mãn, thì đó cũng là lúc người ta lấy mất sự sống nơi người khác. Còn khi người ta hy sinh cho người khác, khi phải chết đi chính mình, thì lại là lúc người ta mang lại sự sống cho người khác, và do đó, bản thân họ cũng cảm nhận được sự sống nơi sự chết của bản thân.
Nếu khi hy sinh cho nhau mà không biết cảm nếm sự sống ngay ở đó, kitô hữu có thể trở nên căng thẳng, ức chế, rồi sau đó là cằn nhằn, là phen bì, là lên án người khác! Khi ấy khuôn mặt hy sinh của kitô hữu trở nên khó ưa và khó gần gũi, bởi vì thập giá nơi họ không có sự sống! Hãy sống niềm vui. hạnh phúc của người mẹ sau cơn đau mà sinh ra được một đứa con kháu khỉnh, dễ thương. Hãy có được nụ cười hạnh phúc mỗi khi sống cho tha nhân.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn