Các kinh sư nói rằng Đức Giêsu bị quỷ vương ám và dùng quyền năng của quỷ vương mà trừ quỷ (x. Mc 3,22). Các ông này đến từ Giêrusalem là nơi của quyền bính tôn giáo và là biểu tượng của đạo đức, vì nơi đó có Đền Thờ! Trước trích đoạn hôm nay của Tin Mừng Marcô có kể chuyện Đức Giêsu chữa một người bị thần ô uế ám ở chương 1 câu 23-27, nhưng mãi đến giữa chương 3 mới kể việc các kinh sư nói như trên. Ở giữa hai sự kiện này là nhiều trình thuật về việc Đức Giêsu chữa bệnh, có cách suy nghĩ về ngày Sabát, về ăn chay khác các kinh sư và Pharisêô, Ngài thân thiện với những người tội lỗi bị loại trừ, và sự bận rộn với đoàn người kéo đến khiến gia đình cho rằng Ngài mất trí. Như vậy có thể nói rằng: những suy nghĩ và cách ứng xử khác biệt ấy của Đức Giêsu đều làm cho các vị chức sắc cảm thấy khó chịu vì không giống như họ nghĩ và sống, không thích hợp với những mong đợi của họ về Đấng Messia. Và vì thế, họ gán cho Đức Giêsu là bị quỷ vương ám!
Nhưng cũng chính nơi điều này lại cho thấy: thực sự những người ấy mới là những người “bị ám”. Bị ám bởi quyền lực bị xúc phạm, bởi ý nghĩ cố hữu của mình, bởi những ghen ghét, loại trừ của họ!
Quỷ ám theo nghĩa hẹp thì ít nhưng theo nghĩa rộng thì nhiều. Đó là những người tự đóng lại trong cái tôi của mình: bị ám ảnh bởi ý riêng của mình, bởi những ghen ghét. Họ đang làm những việc của quỷ, bởi vì họ ghen ghét người khác, loại trừ người khác. Những chia rẽ, bè phái là việc của ma quỷ. Người ta chì chiết, nói xấu, bới móc nhau..., đó là việc của ma quỷ. Có khi người ta “kết bè, kết đảng” để tấn công những người làm điều tốt và gán ghép cho người tốt những ý đồ xấu. Ma quỷ cũng biết đoàn kết, nhưng là để làm hại người khác. Thế thì tại sao những người tự cho mình là thuộc về Chúa lại không biết đoàn kết để cùng nhau xây dựng và phát triển điều tốt, lại không biết đón nhận và khích lệ những điều tốt lành nơi người khác!?
Đức Giêsu Kitô trở thành Thượng Tế khi hiến thân cho con người và chuyển cầu cho tội nhân. Những ai bước theo Đức Giêsu Kitô cũng hãy sống như chính Ngài.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn