Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay, Lời Chúa đặt chúng ta đứng trước hai thứ bánh: bánh bởi trời và bánh trần gian. Có nhiều khi người ta biến bánh bởi trời thành bánh trần gian.
Manna được dân Do Thái coi là bánh bởi trời, bánh được Thiên Chúa ban cho khi họ thiếu bánh ăn trong sa mạc trên hành trình về đất hứa. Tuy nhiên, ngay chính bản văn Đệ Nhị Luật khi viết về biến cố này cũng ghi lời ông Môsê rằng: “...ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra.” (Đnl 8,3). Lời này có nghĩa rằng, ngay cả bánh ấy cũng không dừng lại là một thứ bánh để qua khỏi cái đói thể lý, nhưng để cho thấy rằng chính lời Thiên Chúa mới làm cho có bánh. Như vậy, người ta không được dừng lại ở “bánh trần gian” nhưng phải đi đến sự tin tưởng và gắn bó với Thiên Chúa. Lời Chúa mới thực sự là nguồn nuôi sống, là “bánh bởi trời” nuôi sống dân Ngài.
Thánh Phaolô đối diện với tình trạng của Giáo Hội Côrintô gốc dân ngoại với không ít người vẫn còn tham dự các bữa tiệc sau các buổi thờ cúng thần tượng. Thánh Phaolô nói rằng không thể vừa tham dự bữa tiệc Thánh Thể vừa tham dự các bữa tiệc thờ cúng thần linh: “...anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được” (1Cr 10, 21). Người ta không phân biệt được bánh bởi trời và bánh trần gian!
Với bí tích Thánh Thể cũng thế. Bí tích này vừa mang tính vật chất vì dùng đến bánh và rượu; tuy nhiên, bởi vì là dấu chỉ của một thực tại sâu xa hơn, đây lại là chính Thân Thể đích thực của Chúa Kitô. Kitô hữu sẽ làm cho Bánh Bởi Trời này trở thành bánh trần gian khi coi việc cử hành Thánh Thể, việc rước lễ như một nghi thức phải làm cho yên lương tâm kitô hữu, hoặc như một thứ thành tích đạo đức cho bản thân. Vị Đáng Kính Marthe Robin nói rằng mỗi lần tôi được rước Chúa là mỗi lần tôi được biến đổi. Thực sự gặp gỡ Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể là như thế, bởi vì Ngài là Bánh Bởi Trời đích thực (x. Ga 6,32).
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn