Ân ban để dám sống cho - Thứ Tư Tuần IX - Mùa Thường Niên

Ân ban để dám sống cho - Thứ Tư Tuần IX - Mùa Thường Niên

Ân ban để dám sống cho - Thứ Tư Tuần IX - Mùa Thường Niên

Ân ban để dám sống cho

2Tm 1,1-3.6-12; Mc 12,18-27

Thứ Tư Tuần IX - Mùa Thường Niên

05/06/2024

 

“Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.” (2Tm 1,6).

Lời thánh Phaolô viết cho ông Timôthê về ân ban làm lãnh đạo cộng đoàn tín hữu. Ân ban ấy đòi hỏi lòng can đảm chịu mọi gian khổ để rao giảng, để làm chứng cho Chúa Kitô. Như vậy, ân ban của Chúa là để phục vụ cho cộng đoàn nữa chứ không dừng lại cho ích lợi của bản thân mình. Các chức vụ cũng là ân ban, không phải để thu vén, để tìm kiếm lợi ích bản thân, nhưng là ân ban phục vụ.

Được phục vụ cộng đoàn là một ân ban. Nơi trách nhiệm với cộng đoàn đó, tôi sống và thể hiện được con người của mình với biết bao nhiêu tài năng, bao nhiêu nét đẹp mà Thiên Chúa trao ban nơi mình. Khi tìm cách thu vén cho mình, tìm cách thể hiện quyền bính của mình, con người ta đang làm thui chột những ân ban của Chúa nơi mình. Người ta thường hiểu lầm về điều này nên trong khi thể hiện quyền bính và tham vọng đầy ích kỷ, người ta cứ tưởng rằng mình hơn mọi người! Thật là tệ hại và đáng thương nữa cho những con người mù quáng trong sự tìm kiếm chính mình ấy!!! Những con người đó được thần thoại Hy Lạp diễn tả qua nhân vật Narcisse. Dừng lại ở vẻ đẹp của bản thân đưa anh này đến cái chết.

“Hướng phát triển mở”, tức là phát triển khi phục vụ người khác, còn được hiểu rõ hơn với tầm nhìn xa hơn. Các người Sađucêô không tin vào sự sống đời sau, nên khi chất vấn Đức Giêsu về đời sau, họ cũng chỉ lẩn quẩn nơi chuyện chiếm hữu, là người phụ nữ này sẽ thuộc về ai. Không, nơi đời sống mai sau, con người mở ra với mọi người. Thiên Chúa được gọi là Thiên Chúa của người sống. Như vậy, người sống là người không dừng lại nơi bản thân mình, nhưng biết mở lòng ra với tha nhân. Ngược lại thì sống như chết và trở thành người gây ra cái chết!

“Hãy khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa”, bản gốc có nghĩa là: hãy làm bùng lên ngọn lửa của món quà của Chúa. Mỗi người đều có trách nhiệm về người khác, hãy làm bùng lên ngọn lửa nhiệt tình phục vụ cho tha nhân.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn