Lời tra vấn được các Pharisêô đặt ra cho Đức Giêsu không dừng lại ở hành vi bứt bông lúa của các môn đệ, mà là việc tuân giữ luật ngày Sabát. Trong số 39 điều cấm làm trong ngày này có luật cấm không được bứt bông lúa, vì nó được quy cho tội gặt lúa, tức là vi phạm luật nghỉ ngày Sabát. Người ta đang biến luật của sự sống thành luật của sự chết. Luật nghỉ ngày Sabát là cách để đề cao phẩm giá con người -và cả súc vật nữa-, để con người có thể nghỉ ngơi, làm việc thờ phượng Chúa, sống tương giao với người khác. Thế nhưng, những người cắt nghĩa luật đã làm cho luật ấy trở thành gánh nặng, đe doạ và là cớ để lên án nhau!
Ông Phaolô viết: “Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống.” (2Cr 3,6). Sự chia rẽ trong Giáo Hội cũng do người ta đẩy lên quá cao những quy định, những luật lệ, đến độ coi chúng như thần thánh, làm như thể chính những lề luật ấy cứu độ con người vậy! Và từ đó, người ta lên án và loại trừ nhau. Người ta còn nghĩ rằng mình có công với Chúa, với Giáo Hội khi lên án và loại trừ nhau!
Viết cho các tín hữu Hipri, tác giả ghi nhận nhiệt tâm của một số người phục vụ cộng đoàn dân Chúa. Tuy nhiên, ông ao ước có nhiều người nhiệt tình như họ và cùng với họ và phục vụ Giáo Hội: “Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em được thực hiện đầy đủ cho đến cùng.” (Hr 6,11). Và để có được thái độ cùng nhau phục vụ Giáo Hội ấy, tác giả nhắc đến “đức tin và lòng kiên nhẫn” (6,12).
Người ta có lòng nhiệt thành nhưng đôi khi lại thiếu lòng kiên nhẫn với nhau trước “sự chậm chạp” của nhau, trước những giới hạn của nhau, nên dễ đi đến thái độ lên án nhau. Khi ấy, họ dựa vào luật để kết án, và người ta càng “vẽ” ra thêm nhiều thứ luật chi tiết hơn để luận tội nhau! Hãy chờ đợi nhau, nâng đỡ nhau để cùng nhau tiến bước! Đó là lời mời gọi của Thượng Hội Đồng 16 vừa qua cho một Giáo Hội ở hiện tại và tương lai.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn