Viết cho tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô nói về mầu nhiệm ơn cứu độ được mở rộng cho tất cả mọi người. Mầu nhiệm này chỉ được tỏ ra với Chúa Kitô. Các bài Sách Thánh ngày lễ Hiển Linh nói với chúng ta về điều đó.
Sách tiên tri Isaia phần III, mặc dù được viết sau lưu đày Babilon, tức là khi người Do Thái phần nào đã chuyển sang tư tưởng về một Thiên Chúa duy nhất cho tất cả mọi dân, nhưng cách diễn tả vẫn cho thấy dân Do Thái được quyền ưu tiên hơn và trở thành trung tâm mà các dân tộc khác phải quy tụ về! Thánh Phaolô cho thấy dân Do Thái có vinh dự là được chọn trước để khởi đầu cho ơn cứu độ, để chuẩn bị cho mạc khải nơi Đức Kitô là mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” (Ep 3,6).
Điều đáng chú ý là thánh Phaolô viết trong thư Êphêsô rằng không chỉ là dân Do Thái và các dân khác cùng được kêu gọi cho ơn cứu độ, nhưng còn nói: để mọi dân làm thành một thân thể và cùng được thừa kế gia nghiệp là ơn cứu độ. Ơn cứu độ được mạc khải nơi Chúa Kitô mở ra cho mọi người, không ai bị loại trừ, không ai bị phân biệt đối xử, nhưng cùng một vận mệnh.
Trong thực hành, cách cử xử của các kitô hữu cần được lưu ý để tránh loại trừ những người mà họ coi là tội lỗi: những người thuộc về các gia đình bị đổ vỡ, những người có những khuynh hướng tính dục khác với đa số. Trong các gia đình, các cộng đoàn đức tin, có những người xem ra “khó sống” với người khác, nhưng chúng ta không được loại trừ ai cả! Họ cần được đón nhận trong những giới hạn của mình! Mọi người cùng một thân thể nên không thể loại trừ một phần thân thể nào!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn