Tác giả sách Giảng Viên nói rằng mọi sự có thời của nó: thời để chào đời và thời để lìa thế, thời để khóc lóc và thời để vui cười, thời để giữ lại và thời để vứt đi... Và tác giả kết luận: “Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì?” (Gv 3,9).
Mỗi thứ có thời của nó thì không có nghĩa là mặc kệ, thụ động vì cho rằng hết điều này diễn ra thì đến điều khác, hơi đâu mà lo! Không phải thế, nhưng phải nói thêm khía cạnh khác nữa, đó là phải nắm bắt thời cơ kẻo nó qua đi!
Thời cơ mà Chúa ban hay Chúa mời gọi từ những gì diễn ra trong cuộc sống có thể là những điều không mấy hấp dẫn, có khi nghịch lại với mong ước của con người. Nhưng nếu bỏ mất thì cũng bỏ mất “giờ cứu độ” của Chúa, như cách nói của thánh Gioan. Lời loan báo con đường Vượt Qua của Đức Giêsu đã không được các môn đệ và mọi người đón nhận vì người ta chỉ chờ đợi vinh quang và quyền lực nơi Đấng Messia mà thôi. Nhưng phải chăng việc Đức Giêsu đến trần gian là không đúng giờ, nên người ta từ khước và do đó mới sinh ra việc loại trừ Ngài trên thập giá? – Không phải thế, bởi vì sự từ khước ấy luôn có thể diễn ra vì người ta thường không thích nghe, không muốn đón nhận điều trái ý. Nói cách khác, người ta đã từ khước cơ hội, từ khước giờ của Chúa, giờ mang lại ơn cứu độ. Vậy cần phải có một tâm hồn thanh thoát để có thể nắm bắt thời cơ Chúa đưa đến để lớn, để đi tới, để được cứu độ.
“Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì?” (Gv 3,9). Người ta bận tâm với nhiều điều quá, với cuộc sống trước mắt, nhằm sở hữu cho thật nhiều, nên dễ đánh mất thời cơ cứu độ. Thánh Vinh Sơn không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để trợ giúp người khác.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn