Bài trích sách Thủ Lãnh nói về sự cứng đầu cứng cổ của dân Do Thái. Khi hoạn nạn thì kêu cầu và được Thiên Chúa cứu thoát, nhưng chẳng được bao lâu, thì họ lại quay ra thờ phượng tà thần. Mà họ cứ trở đi trở lại mãi như vậy, cho nên có thể nói rằng họ thực sự cứng đầu, cứng lòng! Hai vị thần mà họ hay thờ phượng là Baal và Áttôrét (x. Tl 2,13). Baal thì thường xuyên hơn. Nhưng thử hỏi những vị thần này có gì mà thu hút họ vậy?
Baal được tôn thờ như thần Gió Bão, làm chủ trên mưa gió, thời tiết. Cuộc sống nông nghiệp cần đến những yếu tố đó. Người tình của Baal là Asêra (Asherah) là chính mẹ của mình. Sự kết hợp tình dục của họ là tượng trưng cho khả năng sinh sản, cho mùa màng bội thu. Baal còn có người tình khác nữa là Anát (Anath), là em ruột, là nữ thần tình yêu và chiến tranh. Nghi thức phụng tự của họ bao gồm việc mại dâm thánh, trong đó, các phụ nữ là đại diện của thần linh sẵn sàng cho người dân quan hệ tình dục để cầu phúc cho mùa màng. Điều này khiến nhiều phen các tiên tri lên án là cha và con trai cùng đi lại với một phụ nữ! Có khi họ hiến tế cả con trai nhỏ của mình để cầu xin cho mùa màng được bội thu!!!
Còn Áttôrét (Astaroth) được biết đến là vị thần của sự phì nhiêu, tình yêu và chiến tranh; thông biết quá khứ, hiện tại và tương lai.
Những điều này cho thấy người ta lựa chọn và tôn thờ thần linh vì lợi ích của bản thân mình. Hay nói cách khác, người ta tôn thờ chính mình hơn là thờ phượng Thiên Chúa! Điều này khiến kitô hữu phải nhìn lại chính mình.
Người thanh niên sống đời sống đạo tốt lành, nhưng anh chỉ dừng lại ở thành tích giữ luật của bản thân. Đức Giêsu mời gọi anh đi vào tương giao khi bán của cải mà cho người nghèo và bước theo Ngài. “Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19,21). Từ deuro (δεῦρο) = đến. Từ này có hai nghĩa: theo nghĩa nơi chốn là: đến đây (come here); theo nghĩa thời gian là: bây giờ (now). Từ akolouthei (ἀκολούθει) là đi theo, tức là trở nên môn đệ, theo cùng con đường. Như vậy, lời mời gọi đến đi theo Chúa Giêsu không phải là một ý niệm trừu tượng, nhưng là bỏ nơi chốn của mình và ngay bây giờ, để làm môn đệ của Ngài, theo cách sống của Ngài, nhất là bước theo con đường thập giá cùng với Ngài. Câu chuyện này được đặt sau hai lần Chúa Giêsu nói về con đường thập giá của Ngài. Tôn thờ Thiên Chúa là như vậy đó, chứ không phải là dừng lại nơi bản thân mình, không tìm kiếm những gì thoả mãn mình. Đó là đi vào tương giao cá vị với Ngài.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn