Ngày nay, ý niệm thiên đàng bị hiểu sai, bị lạm dụng. Người ta có thể coi một bãi biển để giải trí, vui chơi, phục hồi sức khoẻ là “paradise” (thiên đàng). Người ta có thể coi một cuộc sống tiện nghi là thiên đàng... Nói chung, quan niệm thiên đàng này đi liền với sự đón nhận của bản thân. Có thể chưa có gì là xấu, nhưng ý nghĩa của nó hưởng về chính mình.
Sách Tôbia kể chuyện anh Tôbia một mực xin cưới cô Sara làm vợ, dù chưa thấy mặt cô và đã nghe nói 7 đời chồng trước của cô đều chết ngay khi vừa vào phòng tân hôn! Bận tâm của anh là anh chính là người phải cưới cô này theo luật để có con nối dòng của người Do Thái. Điều này xem ra, đối với thời đại chúng ta là “siêu quá”, là “người ở trên trời”! Ngày nay quan niệm về hôn nhân nghiêng về tính dục nhiều quá! Ngày xưa thì chỉ nhắm việc có con cái, quan hệ tính dục chỉ là phương tiện. Thế rồi người ta ngày càng thấy rằng quan hệ tính dục cũng là điều chính đáng trong hôn nhân. Rồi bây giờ, có khi người ta chỉ bận tâm đến tính dục. Trước khi kết hôn đã quan hệ tính dục. Không thoả mãn tính dục thì ly hôn, không kể gì đến hậu quả trên con cái! Quan niệm hạnh phúc ngày nay ngày càng nghiêng về cá nhân, về hưởng thụ cá nhân.
Chúa Giêsu khen người nọ là đã gần Nước Thiên Chúa khi người ấy nhận ra yêu Chúa yêu người là điều răn quan trọng nhất. Thiên đàng thực sự của con người không đóng lại ở bản thân mình, nhưng có tương giao với Thiên Chúa và tha nhân. Khi nào không hiểu được điều này thì điều được coi là thiên đàng cũng có thể trở thành địa ngục! Còn khi đón nhận Thiên Chúa và người khác vào cuộc đời mình, biết vượt qua những khó khăn do khác biệt, hơn nữa còn coi đó là món quà quý giá để bổ túc cho bản thân, bấy giờ người ta tìm thấy được thiên đàng đích thực!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn