Dụ ngôn cây nho và cành nho của Chúa Giêsu gói ghém được những ý chính của các bài đọc hôm nay, đó là tương giao với Chúa Giêsu và với anh chị em.
“Đây là điều răn của Người (Thiên Chúa): chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta.” (1Ga 3,23)
Cây nho tượng trưng cho Chúa Giêsu, và ai gắn kết với Ngài thì đồng thời cũng gắn kết với anh chị em đồng loại là các cành nho khác. Hai tình yêu này làm nên một tình yêu duy nhất không thể tách rời được.
Cách đây ít lâu, mấy năm liền, vào dịp Tết Nguyên Đán, có hiện tượng người bán cây cảnh dùng keo dán các cành có hoa vào một thân cây cùng loại nhưng không có hoa. Khi mua, người ta thấy cây phủ đầy hoa, nhưng ít bữa thì hoa tàn hết, bởi vì nó chỉ được dán vào chứ không có nhựa sống từ thân cây chuyển sang! Tôi nghĩ đến nhựa cây chính là Thánh Thần được nói đến trong thư Gioan. Thánh Thần làm cho người ta gắn chặt và có được sức sống từ Chúa Giêsu Kitô, và cũng chính Thánh Thần làm cho tình yêu dành cho tha nhân trở nên sinh động.
Các kitô hữu vẫn nói mình yêu Chúa và yêu tha nhân, nhưng nhiều khi đó chỉ là câu nói cửa miệng, bởi vì điều thấy được là tình yêu dành cho Chúa chỉ dừng lại ở thánh lễ Chúa Nhật, ở những điều tối thiểu, mà không thấy hoa trái của sự dấn thân, như ông Saolô mới trở lại với Đức Giêsu Kitô, nhưng đã đi vào những chỗ nguy hiểm đến tính mạng của mình! Kitô hữu nói mình yêu thương tha nhân nhưng sao cứ toàn gây ra những căng thẳng, bất ổn với người chung quanh?! Những tình yêu ấy cũng không vững bền, khi này khi khác! Người ta yêu theo kiểu con người, theo cảm xúc nhất thời và nhằm có lợi cho bản thân, nên sinh ra như thế! Người sống tương giao với Chúa và với tha nhân theo Thánh Thần thì vượt trên cảm tính, ra khỏi chính mình, dấn thân và đầy sáng tạo. Đó là một tình yêu sinh động và rất thật!
Lạy Chúa Thánh Thần, xin đến với tâm hồn chúng con và ban cho chúng con tình yêu của Chúa, để cuộc sống chúng con trở nên sinh động và sáng tạo do thúc đẩy của tình yêu chân thật.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn