Tiếng Việt sẽ phải dùng cụm từ “vụ lừa dối” chứ không dùng “sự lừa dối”. Nhưng từ “vụ” ám chỉ một vụ việc có phạm vi, có thời gian giới hạn nào đó, còn ở đây, sự lừa dối bao trùm toàn bộ cuộc sống và cũng kéo dài toàn bộ đời sống! Mà người ta lừa dối người khác chứ ai lại đi lừa dối chính mình! Thế mà thánh Phaolô đã nói như thế:
“Thưa anh em, đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật.” (1Cr 3,18).
Vậy sự lừa dối này là gì vậy? Thánh Phaolô đang trình bày về sự khôn ngoan của thế gian và sự khôn ngoan của Thiên Chúa được thể hiện nơi thập giá. Thánh nhân nói rằng sự khôn ngoan ở đời này đi liền với sự gian dối và chóng qua: “Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.” (1Cr 3,19-20).
Người ta chỉ nhìn thấy sự hào nhoáng bên ngoài và lại là cái chóng qua. Thế nhưng một số khá đông, người ta chạy theo những cái bên ngoài và chóng qua ấy. Không ít trường hợp, người ta làm mọi cách, có thể bằng mưu mẹo nữa, để có được những thứ ấy. Cả đời, người ta tìm kiếm những thứ ấy và sống chết với nó. Sở hữu, danh dự, chức tước, quyền lực…, người ta dồn mọi tâm lực để có chúng, nhiều khi liều cả mạng sống nữa! Vậy thì có phải người ta lừa dối chính mình, và đó là sự tự lừa dối vĩ đại không?!
Ông Phêrô có thể tự phụ về chuyên ngành chài lưới của ông, nhưng ông vẫn nghe theo lời hướng dẫn thả lưới của người thợ mộc Giêsu, và ông cũng như mọi người đã chứng kiến điều lạ lùng chưa từng thấy!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn