Chúa Giêsu nói ai ăn thịt và uống máu Ngài thì sẽ ở trong Ngài và Ngài ở trong người ấy, người ấy sẽ có sự sống thần linh (x. Ga 6,53. 56-57). Nhưng sự sống thần linh là gì? Những từ ngữ ấy quen thuộc, nên các kitô hữu cũng nói theo thói quen, và sự sống ấy trở nên trừu tượng! Vì thế mà, tuy rước lễ hàng ngày hay hàng tuần, nhưng sự sống thần linh ấy không tạo ra được âm hưởng bao nhiêu!
Trong tiếng Việt, từ ngữ “sự sống” mang ý nghĩa trừu tượng, nhưng từ ngữ “cuộc sống” thì cụ thể hơn. Trong ngôn ngữ của nhiều nước khác, chỉ có một từ để diễn tả cả hai từ ngữ ấy: life/ vie/ vita... Thực ra là sự sống không trừu tượng nhưng thể hiện ra bên ngoài, làm cho thấy được. Có sự sống thì có thở, ăn uống, hoạt động, trao đổi với người khác và với môi trường chung quanh. Sự sống thể hiện ra thành cuộc sống. Vậy thì sự sống thần linh cũng phải thể hiện ra bên ngoài bằng những hoa trái thần linh.
Chúa Giêsu nói: như Ngài sống nhờ Chúa Cha, thì ai ăn thịt và uống máu Ngài cũng sống nhờ Ngài (x. Ga 6,57). Sự sống của Chúa Cha được thể hiện nơi Chúa Giêsu qua việc Ngài luôn thi hành thánh ý Chúa Cha, và thánh ý đó là không để mất một ai trong số những người mà Chúa Cha đã ban cho Ngài (x. Ga 6,38-39)! Vậy thì người có sự sống thần linh cũng phải là người không loại trừ ai, không bỏ ai ra bên lề của cuộc sống. Hiệp thông Thánh Thể đưa tới hiệp thông với tha nhân.
Trong sứ điệp ơn gọi năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói người sống ơn gọi là người biết gieo niềm hy vọng. Vậy có thể nói: người đón nhận Thánh Thể thường xuyên phải là người biết khích lệ, nâng đỡ, kiên nhẫn với những giới hạn của tha nhân. Đó là người luôn khơi lên niềm hy vọng nơi người khác, là người biết đặt niềm tin tưởng, niềm hy vọng nơi người khác, để nhờ đó, họ có thể đứng lên, dám bước tới và có thể sống cuộc đời của họ cách tự tin và bình an.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn