Phục vụ cho giao ước mới - Thứ Sáu Tuần II Thường Niên

Phục vụ cho giao ước mới - Thứ Sáu Tuần II Thường Niên

Phục vụ cho giao ước mới - Thứ Sáu Tuần II Thường Niên

PHỤC VỤ CHO GIAO ƯỚC MỚI 

Hr 8,6-13; Mc 3,13-19 

Thứ Sáu Tuần II Thường Niên, 20/01/2023

Ý niệm “giao ước” rất quen thuộc trong các tôn giáo, cách riêng là Do Thái Giáo. Ý niệm ấy được dùng lại nơi Chúa Giêsu và được gọi là Giáo Ước Mới (Tân Ước). Giao ước cũ của Do Thái Giáo được ký kết ở núi Sinai với nghi thức đổ máu chiên trên bàn thờ và vẩy máu ấy trên dân Chúa với ý nghĩa bên nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm và trả giá bằng cái chết. Tuân giữ mười giới răn là cam kết của con người với Thiên Chúa. Với giao ước mới thì không còn là máu chiên nữa mà là máu của Đức Giêsu. Máu này vừa theo nghĩa đen vừa theo nghĩa thiêng liêng. Theo nghĩa đen vì Đức Giêsu thực sự đổ máu ra bằng cái chết trên thập giá của Người. Tuy nhiên, không hoàn toàn theo nghĩa đen là máu Đức Giêsu được dùng thay cho máu chiên, làm như Chúa Cha đòi hỏi điều đó cho giao ước này, bởi vì Chúa Cha không làm như vậy với Con Yêu Dấu của Người. Sự tàn ác của con người đã đẩy Đức Giêsu đến cái chết, nhưng điều đó lại bày tỏ cho thấy Thiên Chúa đã dấn thân trọn vẹn cho con người, dấn thân cho đến cùng, cho đến độ bị con người giết chết. Và Thiên Chúa coi đó như là việc hiến tế của Giao Ước Mới.

Giao Ước Mới này cũng không dừng lại ở một số nghi thức, luật lệ, nhưng đi vào vào tim lòng. Lề luật không dừng lại ở chữ viết nhưng in sâu vào tim lòng của tín hữu. Đây là điều đã được loan báo bởi tiên tri Êdêkien (x. Ed 18,31; Ed 36,26) và Giêrêmia (x. Gr 31,31-34) và nay được Chúa Giêsu Kitô thực hiện.

“Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó, Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta. Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: ‘Hãy học cho biết Đức Chúa’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta.” (Hr 8,10-11).

Các tông đồ được Chúa Giêsu chọn là để phục vụ cho Giao Ước Mới này. Các kitô hữu cũng thuộc về Giao Ước này. Vì thế, họ phải sống được ý nghĩa “từ tim lòng” của Giao Ước này, bằng không, họ cũng vẫn mang lấy tinh thần của giao ước cũ! Và điều này thực sự chất vấn mỗi người trong chúng ta: tôi có đang giữ đạo mang tính hình thức, đang thi hành lề luật theo nghĩa đen của từ ngữ không? Lối sống đạo mà tôi đang tự hào phải chăng chỉ dừng lại ở một số việc đạo đức tôi đã làm chăng? Thực sự tôi có yêu mến, gắn bó với Thiên Chúa tự thâm sâu nơi tâm hồn, có ước muốn sâu xa nên giống Ngài không, hay chỉ thấy một áp lực từ bên ngoài nơi các luật lệ?

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn