“Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,28-30).
Đây là lời tuyệt vời của ông Gioan Tiền Hô khi nói về mình. Niềm vui trọn vẹn của ông không phải là lúc chiếm hữu điều gì đó không phải của mình, nhưng là khi sống trọn vẹn sứ mạng của mình, dù khi làm thế, người khác có trổi vượt hơn mình. Đó cũng là thái độ của chính Chúa Giêsu Kitô. Tác giả thư thứ nhất Gioan viết rằng: Con Thiên Chúa đã đến để làm cho người ta biết Chúa Cha, và khi biết Chúa Cha thì được “ở trong” Chúa Cha và cũng lúc đó, họ được “ở trong” Chúa Con (x. 1Ga 5,20).
Thành thật mà nói: khi người khác trổi vượt hơn mình, con người dễ cảm thấy buồn, khó chịu trong lòng và có khi còn phản ứng ra bên ngoài cách này hay cách khác, dạng lộ hay dạng kín dưới những chiêu bài tốt lành, thánh thiện. Khi cần chuyển giao cho người khác thì người ta cảm thấy tiếc! Ngay trong Giáo Hội, khi làm việc nhân danh Thiên Chúa và Giáo Hội, những biểu lộ của sự ghen tị cũng đầy dẫy! Hoặc người ta có thể cảm thấy mặc cảm tự ti trước sự trổi vượt của người khác. Người ta mất rất nhiều năng lượng khi ở trong những phản ứng như vậy, có khi lại khiến cho cuộc đời mình trở nên thảm hại vì tình trạng như thế!
Ông Gioan Tiền Hô mời gọi các môn đệ của mình hãy sống niềm vui tròn đầy, niềm hạnh phúc tròn đầy khi là chính mình. Và ông cũng cho thấy rằng ý nghĩa của đời người không phải là dừng lại nơi bản thân, nhưng là biết sống thái độ “chuyển tiếp”, “chuyển giao” cho người khác. Ông Gioan giới thiệu cho Đức Giêsu những môn đệ ưng ý của mình. Mỗi người như vận động viên chạy tiếp sức là phải làm trọn phần của mình, phần mà không ai thay thế cho, nhưng cũng phải biết chuyển giao cho người khác, ý thức mình cần người khác để cuộc đời mình được hoàn thành. Thế mới làm cho sự sống của mình, những đóng góp, những nỗ lực của mình được tiếp nối và hoàn thành. Ai sống được như vậy thì là người “đông con nhiều cháu”, còn ngược lại thì là “kẻ hiếm muộn”, “người tuyệt tự”!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn