Trong hai bài đọc hôm nay, người ta gặp nhiều nhóm người: bài giảng đầu tiên của ông Phêrô sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần đã được cất lên khi “đứng chung với Nhóm Mười Một” (Cv 2,14); lời chứng của các tông đồ là lời chứng tập thể: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.” (Cv 2,32); các phụ nữ được thiên thần và sau đó chính Chúa Giêsu hiện ra và bảo đi nói với các môn đệ (x. Mt 28,5-7). Ngược lại, cũng có nhóm phản diện, đó là các thượng tế âm mưu và bảo các lính canh làm chứng gian.
Niềm tin phục sinh vừa mang tính cá vị vừa mang tính tập thể. Niềm tin ấy được đón nhận từ tập thể, từ Hội Thánh và đồng thời chứng từ của cộng đoàn mang giá trị loan báo Tin Mừng phục sinh rất cao.
Niềm tin phục sinh phải kiến tạo tình huynh đệ thì mới khả tín. Chúa Kitô phục sinh gọi các môn đệ là anh em (adelphos/ ἀδελφός, Mt 28,10). Điều này cũng được ghi lại trong Tin Mừng Gioan. “Đức Giêsu bảo (các phụ nữ): ‘Hãy đi gặp anh em (adelphous/ ἀδελφούς) Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” (Ga 20,17). Chúa Giêsu nói rõ hơn: Cha của Ngài cũng là Cha của các môn đệ. Như vậy, từ tình huynh đệ với Chúa Kitô phục sinh, tình phụ tử với Thiên Chúa, những người tin vào Chúa Kitô cũng phải sống như anh chị em với nhau, cùng là con cái của Cha trên trời.
Ông Phêrô nói với những người nghe: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe.” (Cv 2,33). Cộng đoàn của Đấng phục sinh, cộng đoàn chứng nhân về sự phục sinh của Chúa cũng là cộng đoàn đầy tràn Thánh Thần. Hay nói cách khác, cộng đoàn của Thánh Thần chính là cộng đoàn biết sống với nhau trong tình huynh đệ, và chính nơi điều đó mà mọi người nhận biết Chúa Kitô được Chúa Cha sai đến (x. Ga 17,21) và đã cho Ngài sống lại.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn