Sau khi phó tế Stêphanô bị ném đá chết, cuộc bách hại lớn lao đã xảy ra, khiến cho các tín hữu phải phân tán đi khắp nơi. Lời khuyên của thầy thông luật Gamalien với Thượng Hội Đồng Do Thái rằng đừng đụng đến những người theo Đức Giêsu, vì có nguy cơ chống lại Thiên Chúa, nhưng cũng không ngăn cản được họ. Ông Saolô là học trò của thầy Gamalien lại là một trong những người bắt bớ các tín hữu cách cuồng nhiệt nhất! Thế nhưng, vì công cuộc cứu độ nơi Chúa Giêsu là công trình của Thiên Chúa, nên đứng trước cuộc cấm cách, bắt bớ này, Ngài lại mở ra những con đường mới.
Phó tế Philipphê cũng phải chạy trốn cuộc bắt bớ ấy, nhưng đi đến đâu ông cũng rao giảng Tin Mừng, và các tín hữu khác cũng vậy. Trước khi ông Phaolô (người mà trước đó được gọi tên là Saolô) đến với dân ngoại thì ông Phêrô đã làm điều này với gia đình ông sĩ quan dân ngoại là Cornêliô (Cv 10), nhưng ngay cả trước đó, thầy phó tế Philipphê cũng đã làm điều này khi rao giảng Tin Mừng cho viên thái giám người Êthiôpia (bài đọc 1). Truyền thống Do Thái vốn dè dặt với những người bị hoạn, như đặt họ ra bên lề cuộc sống. Vậy mà ông Philipphê đã rao giảng cho viên quan này và làm phép rửa cho ông nữa. Lúc ấy, việc làm phép rửa cho dân ngoại chưa được nghĩ tới! Việc làm của phó tế Philipphê là những bước đi rất mới đối với Giáo Hội thời bấy giờ, và đó là những bước đi của Thiên Chúa. Sau đó, Thánh Thần lại đưa ông Philipphê đi nơi khác, với những bước đi khác nữa (x. Cv 8,39-40).
Chúa Giêsu nói: có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chính Ngài từ trời xuống nên Ngài biết Chúa Cha và nói cho con người (Tin Mừng). Nhiều khi tín hữu chúng ta có những hình mẫu để “gò ép” Thiên Chúa, có những hàng rào để giới hạn Thiên Chúa theo cách suy nghĩ của mình. Với hình mẫu của mình, người ta chống lại cả Thiên Chúa nữa! Nhưng Ngài vẫn có cách của mình và mở ra những con đường mới mà không ai ngờ tới. Bởi vậy Chúa Giêsu mới bảo: hãy để cho Thiên Chúa giáo huấn, hãy trở thành học trò của Thiên Chúa.
Là một “tín hữu đóng” thì không thể đón nhận được những con đường của Thiên Chúa, có khi lại chống lại Thiên Chúa nữa! Cần những “tín hữu mở”, sẵn sàng cho Thiên Chúa và Thánh Thần của Ngài thì mới thấy được sự kỳ diệu của Thiên Chúa. Đời sống kitô hữu theo truyền thống của vùng miền, đời tu hành với những kỷ luật và quy định, rất nhiều nguy cơ làm chúng ta trở thành những “tín hữu đóng”. Lúc đó, không những người tín hữu chống lại Thiên Chúa mà còn hay phản kháng người khác nữa! Đạo đức không phải là sống mẫu mực, không phải là sống hoàn thiện theo cách mình nghĩ, nhưng đạo đức thật là để cho Thiên Chúa dẫn dắt cuộc đời mình. Xây dựng Giáo Hội cũng không phải là hình thành một Giáo Hội theo mẫu trần gian, nhưng là để cho Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy đi theo những con đường của Thiên Chúa.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn