Người ta hay nói: hãy nhìn nhận tội lỗi của mình để được tha thứ, để được cứu độ. Câu nói này đúng, nhưng ít gợi lên nơi tín hữu cái nhìn cụ thể mà chỉ dừng lại như một lời nói mang tính giáo điều, như “trả bài thuộc lòng”, về ơn cứu độ ở đời sau xa vời! Nhưng nếu nói cách khác sẽ gợi lên tính chất cụ thể hơn, thiết thực hơn: hãy nhìn nhận giới hạn của mình để được giải thoát!
Chúng ta đi qua những trải nghiệm này là: khi mình có lỗi lầm hay giới hạn gì, thì thường tìm cách che giấu, hoặc biện minh “tại...”, “bị...”, hoặc đổ lỗi cho người khác. Tất cả những thái độ ấy đều cho thấy lòng sợ hãi, bất an! Nhưng ngược lại, nếu tự nhìn nhận giới hạn của mình, cám ơn khi người khác nói lên khuyết điểm của mình, nhận lấy trách nhiệm về những sai lỗi... thì tâm hồn mình sẽ bình an. Người không dám nhìn nhận giới hạn của mình thì buồn phiền khi làm sai và khi người khác chỉ ra cái sai của mình. Còn người đón nhận những sai sót của mình, đón nhận góp ý của người khác thì bình an và coi đó là cơ hội để cải thiện, thì biết đón nhận sự trợ giúp của người khác cho những khiếm khuyết của mình, và họ thực sự được giải thoát!
Ông Phêrô nói rõ cho dân chúng biết sai lầm của họ và của những người lãnh đạo khi giết Đức Giêsu. Đồng thời, như Đức Giêsu phục sinh đã dạy, ông kêu mời sám hối để được tha thứ. Dân chúng thì nhìn nhận tội lỗi, còn các vị lãnh đạo thì không!
Thiên Chúa đối diện với sai lỗi của con người khi giết Đức Giêsu bằng cách dùng chính cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu để cứu độ con người. Nếu con người biết đối diện với sự thật về giới hạn và sai lỗi của mình thì chính những giới hạn và sự nhìn nhận giới hạn ấy lại mang đến cho họ ơn giải thoát, mang lại cơ may để lớn lên.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn