Câu chuyện Chúa Giêsu chữa người mù đến hai lần làm cho người đọc thắc mắc: nó có ý nghĩa gì vậy? Phải đặt bản văn này vào mạch văn của Tin Mừng Marcô thì ý nghĩa của câu chuyện mới sáng ra. Các người Pharisêô cứng lòng, không chịu tin vào Chúa Giêsu. Họ đòi dấu lạ từ trời mới chịu tin. Biết là họ cứng lòng, yêu sách ấy chỉ là cái cớ để từ khước tin vào Chúa Giêsu, nên Người từ chối làm phép lạ từ trời. Đứng trước sự cứng lòng như thế, lại còn âm mưu gian tà nhằm chống lại Chúa Giêsu, nên Người cảnh giác các môn đệ phải tránh “men Pharisêô và mên Hêrôđê” ấy. Câu chuyện chữa lành người mù nằm sau những diễn biến trên và trước lời tuyên xưng đức tin của ông Phêrô.
Những người cứng lòng, không chịu tin vào Chúa Giêsu như những người mù, nhìn thấy Chúa Giêsu và những việc Người làm, nghe những lời Người giảng dạy, nhưng họ không nhận ra được điều gì cả! Các môn đệ như là những người trước kia mù loà, khi được Chúa Giêsu “chạm đến”, thì cũng thấy đôi chút, nhưng tình trạng “lờ mờ” này cũng vẫn còn đáng sợ. Họ cần để Chúa Giêsu chạm đến lần nữa để sáng mắt hẳn, thì mới có thể thấy được, mới đón nhận được ơn cứu độ.
Trong đời sống đạo, những người tội lỗi hẳn thì xem ra không đáng sợ bằng những người “lờ mờ”, tưởng mình có đạo là đủ rồi, tưởng mình đạo đức, thánh thiện lắm, tự phụ về thành tích đạo đức bề ngoài của mình, đó mới là thành phần đáng sợ! Những người gây ra những khốn đốn cho Giáo Hội là những thành phần này: tin vào Chúa Giêsu nhưng tin “chưa tới”, “ương ương dở dở”, “nửa mỡ nửa nạc”, giữ đạo, thi hành luật Chúa vừa phải, cầm chừng! Đây mới là thành phần đáng sợ! Chính những người chưa đạt tới tư tưởng và tâm hồn của Chúa Giêsu thì tự phụ về mình, xem thường người khác, coi người khác như “cây cỏ”!
Không sống Lời Chúa hết mình thì không có cảm nhận để hiểu ý nghĩa sâu xa của lời Người, không cảm thấy sự tuyệt vời của Thiên Chúa, của hạnh phúc được là người có đạo; và cũng không hiểu được giá trị của người khác. Những người sống Lời Chúa hời hợt thì hay khó chịu, bực tức người khác; còn những người sống Lời Chúa hết mình thì lại trân quý con người, khám phá ra được những điều hay từ tha nhân và trân trọng ơn ban của Chúa nơi họ.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn