“Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.” (Lc 11,21-22)
Chỉ có Luca dùng từ “người mạnh hơn”. Trước đó, Luca cũng ghi lời của ông Gioan Tiền Hô với cụm từ ấy: ông Gioan chỉ làm phép rửa trong nước, nhưng có “Đấng mạnh mẽ” hơn, ông không đáng cởi quai dép cho Người, và Đấng ấy sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (x. Lc 3,16). Đức Giêsu chính là Đấng mạnh mẽ ấy. Ông Gioan biết Ngài mạnh mẽ hơn mình, mình chỉ chuẩn bị cho Ngài, và ông nói lời trên để cho người ta biết mở lòng ra với Đức Giêsu, lắng nghe Ngài để được đón nhận Thánh Thần.
Tiên tri Giêrêmia than phiền về một tình trạng hết sức tồi tệ, dân Chúa chọn nhưng càng ngày càng xa đà trong đàng tội lỗi, tệ hơn cha ông rất nhiều! Điều này cũng được thấy nơi những người lãnh đạo thời Chúa Giêsu. Đứng trước việc trừ quỷ của Chúa Giêsu, họ dám nói rằng Ngài cùng quyền năng của tướng quỷ mà trừ quỷ nhỏ! Nhưng Chúa Giêsu cho thấy Ngài dùng ngón tay quyền năng của Thiên Chúa để trừ quỷ, và Nước Thiên Chúa đang đến.
Khi người ta coi mình là mạnh nhất: đạo đức hơn ai hết, tài giỏi hơn mọi người, giàu có hơn bao người, quyền lực trên vạn người... thì người ta trở nên cứng lòng, không biết nghe ai nữa. Thánh Thần cũng chịu thua, bởi vì họ không bận tâm đến những áy náy trong lòng mà chỉ có tự ái và tự phụ. Đó thực sự là con người theo xác thịt.
Con người theo Thánh Thần thì khiêm tốn và biết nghe. Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong sứ điệp Mùa Chay năm nay: Thiên Chúa nói qua Thánh Kinh và cũng thường nói qua người khác. Biết lắng nghe người chung quanh cách khiêm tốn và biết làm theo, đó cũng là dấu hiệu của người có Thánh Thần. Khi biết mình yếu hơn, đón nhận thúc đẩy của Thánh Thần và những soi sáng của Thánh Thần qua anh chị em, thì họ đón nhận được Đấng mạnh hơn.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn