Bài trích sách Khải Huyền hôm nay là lối văn khải huyền, dùng hình ảnh để nói về thực tại. Đó là một Giáo Hội vào cuối thế kỷ I đang bị bách hại tàn khốc bởi đế quốc Roma. Hình ảnh người phụ nữ sinh con có con mãng xà chực sẵn để bắt đứa trẻ được sinh ra, đó là hình ảnh của Giáo Hội đang sinh ra các kitô hữu và bị bách hại trong thế giới! Người phụ nữ ấy và đứa trẻ vẫn luôn được Thiên Chúa bảo vệ. Hãy tin tưởng vào Ngài, đó là lời mời gọi của sách Khải Huyền dành cho các tín hữu đang bị bạc đãi. Ngoài ra, hình ảnh người mẹ sinh con ấy cũng được các tín hữu nghĩ về Đức Maria. Đức Maria quả thực là người mẹ của Giáo Hội đang đau khổ.
Ngay cả trong thời đại hôm nay, Giáo Hội vẫn dùng từ “Các Giáo Hội đau khổ” để chỉ các Giáo Hội không được tự do tôn giáo, các Giáo Hội bị bách hại vì đứng về phía người nghèo, về phía những người bị đối xử bất công trong xã hội. Và như thế, Đức Maria vẫn tiếp tục được kêu cầu với danh hiệu là Mẹ của các Giáo Hội đau khổ! Đức Maria về trời vẫn là mẹ của các Giáo Hội đau khổ, và càng ra sức bảo vệ cho các tín hữu đau khổ cách đắc lực hơn nữa.
Đức Maria là người sinh ra Đấng Cứu Thế là Đấng mang lại bình an cho những người phận nhỏ, mà chính Mẹ là người phận nhỏ đầu tiên được cứu độ. Như thế, noi gương Mẹ, các kitô hữu cũng hãy trở thành những người yêu mến và nâng đỡ những người phận nhỏ. Con mãng xà ám chỉ Satan. Quyền lực của Satan không chỉ thể hiện qua những người nắm quyền bính trong xã hội, nhưng còn trong mọi hình thức bách hại, mọi hình thức gây ra bất hòa, ghen ghét, loại trừ... trong đời sống hàng ngày ở khắp nơi. Khi đứng về phía “những người bách hại” là đứng về phía Satan. Như thế, ngay cả các kitô hữu cũng phải lưu ý về điều này, bởi vì nơi chính họ cũng có thể có biểu hiện quyền lực bách hại của Satan ngay trong đời sống gia đình, trong đời sống của các cộng đoàn đức tin.
Hãy cùng với Mẹ Maria cảm nhận mình là người phận nhỏ được cứu độ để cũng trở nên người mang lại bình an, an toàn và hạnh phúc cho người chung quanh.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn