Lược sử Cộng Đoàn Bác Ái Bình Triệu: Giai đoạn 1975 - 1982

Lược sử Cộng Đoàn Bác Ái Bình Triệu: Giai đoạn 1975 - 1982

Lược sử Cộng Đoàn Bác Ái Bình Triệu: Giai đoạn 1975 - 1982

Giai Đoạn Tiềm Ẩn 1975 - 1982

Chấm dứt mọi hoạt động trước đây của Cộng đoàn.

Tháng 8 - 1976: Linh phụ Phaolô Võ Văn Bộ đi cải tạo.

Ngày 04/08/1977: Sau khi cha Phaolô đi vắng, cha Simon Nguyễn Văn Lập gọi chị Duyên cùng đi với cha lên Tòa Giám Mục. Và khi gặp Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, ngài nói với cha Lập: “Tôi nhờ cha thay thế cha Phaolô làm cha xứ Giáo xứ Bình Triệu còn về Tu Hội cha có thể giúp đỡ về tinh thần, mỗi tuần học Kinh Thánh 1 lần…”

Cha Phaolô đi học tập trong thời gian gần 9 năm, qua nhiều địa chỉ khác nhau trong các tỉnh thành. Trong hoàn cảnh này các thành viên rất hoang mang lo sợ về ơn gọi của  mình  không thể  tồn tại. Vì thế, chị phụ trách đề nghị với các chị em trong Cộng Đoàn cần phải có ba ngày tĩnh tâm, để suy nghĩ, cầu nguyện rồi quyết định ở lại hoặc ra đi.

Nhận được ánh sáng của Chúa Thánh Thần, các chị đã hiểu rõ rằng nếu ở lại với Cộng Đoàn thì sống trong tinh thần phó thác và kết quả đã có một số ít chị xin trở về gia đình. Từ đó, các chị em ở lại vui sống trong bầu khí yêu thương của Cộng Đoàn chấp nhận không lo lắng gì nữa.

Thánh Hóa Đời Sống Lao Động

Một Cộng đoàn không có cha, mọi hoạt động trong Cộng Đoàn Bác Ái bị gián đoạn, nhất là việc tổ chức các tuần tĩnh tâm không còn nữa. Vì thế các chị em sống trong âm thầm cầu nguyện, hàng ngày đến với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Được biết có vài anh chị trong xóm đến Xã Hiệp Bình Chánh xin việc làm, lập tức chị Phụ trách Matta Duyên đến Xã Hiệp Bình Chánh xin đơn và mẫu sơ yếu lý lịch để đăng ký xin việc làm trong Xí Nghiệp Đan Rổ Mây Tre Lá ngụ tại ngã tư ga xe lửa Bình Triệu hiện nay. Thế là từ giây phút này chị em sống vui vẻ, buổi sáng tất cả mười sáu chị em đến xí nghiệp làm việc theo giờ hành chánh, tiền công xí nghiệp trả theo sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn theo cách phân loại A-B-C. Đến cuối tháng Xí nghiệp trả công theo sản phẩm bằng cách chuyển đổi tiền qua lãnh bo bo đem về ăn thế cơm.

Chị Phạm Thị Thu Loan đem một máy may ra ngoài chợ Bình Triệu ngồi vá, sửa quần áo cũ cho mọi người. Vừa làm vừa giữ mấy đứa trẻ con của công nhân.

Chị Nguyễn Thị Hồng và chị Nguyễn Thị Tích phục vụ nhà hàng ăn uống, chuyên làm trong khâu pha chế cà phê và các loại nước uống giải khát.

Nhà sách vẫn tiếp tục phục vụ cho khách hành hương đến cầu nguyện, đồng thời những chị em nào không đi làm ở xí nghiệp, thì lo chăn nuôi heo, làm nấm để kiếm thêm phần  thu nhập cho cộng đoàn.

Nhờ sống chan hòa trong môi trường xã hội như thế mà các chị em đã trở nên chứng tá Tin Mừng trong xí nghiệp, nơi chợ Bình Triệu, và trong cửa hàng ăn uống.

Trong thời gian này, Cộng đoàn vẫn tiếp tục phục vụ đền thờ Đức Mẹ (Giáo xứ Bình Triệu), luôn luôn có hai chị trực phòng xin khấn, tiếp đón những người đến xin lễ, an ủi những người đau khổ đến xin ơn Đức Mẹ Maria, tiếp đón khách hành hương, hát trong các thánh lễ, dạy giáo lý tân tòng cũng như dạy cho các trẻ em trong khu vực Bình Triệu.

Thời gian này số thành viên hiện diện trong Cộng Đòan Bác Ái Bình Triệu có 24 chị em.

Từ năm 1978 - 1983: thời gian 5 năm không có Linh phụ (lần 1)

1978 - 1983: Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình có nhờ cha Simon Nguyễn Văn Lập giúp đỡ về tinh thần.

Năm 1983: Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chính thức đặt Cha Simon Nguyễn Văn Lập làm linh phụ Cộng Đoàn Bác Ái Bình Triệu.