Đằng sau một câu chuyện luôn có một tiền sử, để rồi khi nhìn lại chặng đường đã qua, chúng tôi chỉ biết dâng lời tạ ơn Chúa vì chính từ nơi Đức Kitô, phun trào mọi ân sủng của ánh sáng, bác ái và tình yêu.
Cộng Đoàn Bác Ái Bình Triệu do Linh mục Phaolô VÕ VĂN BỘ được thành lập vào ngày 26 tháng 12 nằm 1968, tại số 348/5 Khu phố 1, Xã Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Nay là số 52 đường số 5, Khu phố 1, Phường Hiệp Bình Chánh, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh.
Năm 1948: Một linh mục người Pháp thuộc M.E.P tên là Boutari đang thi hành mục vụ trong xứ đạo người dân tộc ở Đà Lạt. Cha đã kể cho Cha Phaolô Võ Văn Bộ các tuần cấm phòng tại Châteauneuf de Galaure: Trước khi Cha lãnh sứ vụ đi truyền giáo tại Việt Nam, Cha đã đến Châteauneuf tham dự một tuần phòng thật sốt sắng.
Năm 1954: Tức 6 năm sau, dịp Tuần Thánh, Cha Robert Selmiel, Chánh sở nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, đã mời Cha Phaolô Võ Văn Bộ đi giảng cấm phòng 6 ngày trọn cho các giáo xứ như: Mỹ Tho, Tân Quy, Chợ Quán, Xuân Lộc, Dầu Tiếng. Có phải đây là sự chuẩn bị xa cho một linh phụ sau này lãnh sứ mạng giảng các tuần phòng trong Foyer de Charité?
Tháng 5.1962: Tức 8 năm sau, Đức Giám Mục Phụ tá Phanxico Xavie Trần Thanh Khâm làm phép hai tượng Đức Mẹ Fatima tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn, để Thánh du trong các họ đạo địa phận nhà, Một tượng được cung nghinh về Vũng Tàu. Một tượng thứ hai đi về Bình Dương, trên quốc lộ 13, ngang qua Trung tâm Thánh Mẫu Fatima, lúc bấy giờ còn là khu đất ruộng vườn của một thương gia. Xe cung nghinh Mẹ bị tắt máy, xoay sở đủ cách, nhưng cuối cùng chỉ có cách là lần chuỗi Mân Côi, đến chục thứ 3 xe lại nổ máy và tiếp tục hướng thẳng lên Bình Dương. Có phải đây là một dấu chỉ mà Thiên Chúa muốn chọn vùng đất Fatima trở thành nơi cầu nguyện liên lỉ với Mẹ ?
Tháng 4 năm 1966: 4 năm sau, một hôm Đức Tổng Giám Mục Angêlô Palmas, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam trụ sở tại số 173 Hai Bà Trưng, Quận 3, gọi cha Phaolô, lúc ấy ngài đang làm Giám Đốc Trung tâm Tông đồ Mục vụ giáo phận Sài Gòn (đặt tại số 2B Lương Hữu Khánh), Quận 1 (tới văn phòng tòa Khâm sứ vui vẻ ngỏ ý: “Tôi muốn nhờ cha tìm xem có chỗ nào thuận tiện cho việc lui tới, xây cất một nhà hưu dưỡng dành cho các linh mục đến tuổi hưu, nhưng không phải là nhà tù (maison de prison). Đây sẽ là nơi ở của các linh mục cao niên, nơi đó thoáng mát, rộng rãi để các ngài vừa nghỉ ngơi mà cũng có thể giúp giải tội, làm mục vụ tùy sức… Sau khi cha tìm được địa điểm, xin cha vui lòng báo lại cho tòa Khâm sứ biết để tôi có thể xin Tòa Thánh giúp đỡ”. Phải chăng đây là một ánh sáng mới khởi đầu từ sáng kiến vừa lóe lên của Đức Khâm sứ Angêlô Palmas cho cha Phaolô?
Giã từ Đức Khâm sứ Tòa Thánh ra về, cha thấy lòng mình băng khuâng lo lắng, không biết tìm đâu ra một khu đất rộng rãi và thuận tiện để thành lập một Trung tâm đạo đức tiện cả hai mặt đường bộ và đường thủy.
Cha bắt đầu cầu nguyện rồi đem câu chuyện nầy thảo luận bàn bạc với mấy anh em linh mục cao niên hơn mình. May thay gặp được cha Giuse Trần Văn Bình, cha quản lý Giáo phận Hải Phòng. Ngài biết rõ một nông trại của ông Trương Minh Phú rộng lớn và tiện việc đi lại. Cha Bình cùng đi với cha đến gặp ông chủ đất. Khu đất rộng 12 mẫu rưỡi, trồng xoài, dừa, và một chuồng nuôi nai con. Ông Phú nói: “Tôi có ý bán hết để lấy tiền kinh doanh với giá là hai mươi lăm triệu đồng. Cha có thể mua hết với giá tiền như vậy không?”
Cha Phaolô quan sát toàn bộ khu đất và ưng ý ngay. Cha liền xin hẹn gặp lại ông chủ đất lần sau.
Sau hai tuần lễ hẹn với ông chủ đất, dù không đăng báo, hoặc quảng cáo, nhưng kẻ trước người sau đưa nhau tới xin đăng ký và trả tiền mặt. Trên 200 người mua phần đất khá rộng lớn, cũng với giá 200 đồng/m2. Nghe biết tin này, Đức Tổng Giám mục Phaolô viết thư xin mua một số lô để sau này thành lập một xứ đạo. Đó là phần đất nhà thờ Chúa Kitô và Trung Tâm Bác Ái (Foyer de Charité) bao bọc mé sau hình chữ C. Nay là Trường Đại Học Luật. Hết lòng cảm tạ đội ơn Chúa và Đức Mẹ đã thương ban phúc lành, giúp mua được trọn phần đất 12 mẫu rưỡi mà không nhờ cơ quan từ thiện nào giúp đỡ.
Để tỏ lòng cảm mến Đức Mẹ cách sâu xa, Cha Phaolô khấn xin Mẹ một nguyện vọng nữa là xây dựng một Đài Đức Mẹ, kính dâng lên Mẹ lời tôn vinh, cảm tạ, và khẩn cầu với Mẹ liên lĩ, qua đó tình thương Mẹ sẽ cảm hóa lòng thành của mọi người, mỗi khi họ chạy đến kính viếng và cầu xin.
Trong dịp tĩnh tâm tại Trung Tâm Tông đồ Mục vụ, Cha Phaolô kêu gọi lòng sốt sắng của những người tham dự để cầu xin cho ý định này sớm thực hiện.
Quả thực, Đức Mẹ đã nhậm lời khiến cho ông Giuse Lê Minh Thu, ngụ tại đường Chi Lăng, Gia Định vài ngày sau đã đem đến cho Cha Phaollô một ngân phiếu đúng 100.000 ngàn đồng. Nhận được số tiền dâng cúng theo ước nguyện, việc đầu tiên Cha Phaolô xây dựng một đài ở khu đất mới mua trước sát bờ sông rồi ngài cũng đi tìm nhà điêu khắc tượng Đức Mẹ Fatima, là Ông Nguyễn Văn Thoại, ngụ tại Phú Nhuận xin tạo cho một tượng Đức Mẹ dưới tước hiệu Đức Mẹ Fatima, chiều cao 3 thước, và xin ông vui lòng làm gấp bức tượng như đã tính trước đây cho kịp ngày 10 tháng 8, ngài sẽ cho xe chở lên Bình Triệu.
Ngày 10 - 08 -1966: Rước Tượng Đức Mẹ Fatima Về Bình Triệu
Chiều Ngày 15 Tháng 08 Năm 1966: Ngày Lễ mừng trọng thể Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đến chủ sự làm phép Khánh thành tượng Đài Đức Mẹ và dâng thánh lễ đầu tiên tại Thánh đài, đánh dấu ngày hồng phúc của Trung Tâm được Đức Mẹ về ngự trị mãi mãi nơi đây, ngày khai mở của TRUNG TÂM ĐỨC MẸ FATIMA
Linh phụ Phaolô Bộ cùng với Linh phụ Guy de Reyniès và ông Lê Văn Ba kỷ sư xây dựng
Ngày 8.12.1966: Đức Tổng Giám Mục đến Trung tâm làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Ngôi Thánh Đường Chúa Kitô Và Khu Nhà Tĩnh Tâm (Foyer de Charité) trên khu đất bên tay phải từ ngoài cổng vào Trung Tâm. Với một tháp chuông cao 30 mét.
Tháng 2 năm 1967
Cha Phaolô đi Pháp bằng tàu thủy từ Thái lan đến Marseille sau 23 ngày tàu mới cập bến. Thật là một chuyến đi lý thú, du ngoạn được nhiều nước trên thế giới. Đến Pháp ngài vào Dòng Notre Dame de Vie, dự một tuần phòng ở đó để học cách giữ thinh lặng. Rồi ngài đến Bordeaux vào học Tu Đức ở Dòng Cát Minh, sau một tuần đi Toulouse dự tuần phòng của các linh mục dòng Đaminh, ngài ở đó học hỏi một tháng về Thánh Mẫu Học.
Cha Phaolô viết thơ xin được gặp Cha Finet để tỏ ý nguyện được thụ huấn linh đạo Foyer de Charité, trong tinh thần của hai vị sáng lập là chị Marthe Robin và Cha Georges Finet. Cha Finet rất vui vẻ đón nhận cha Phaolô sau khi cha Phaolô trình lá thư giới thiệu của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Cha Henri Oury Linh phụ của Foyer Spa (Bỉ) đón cha Phaolô về Foyer Spa. Tại Foyer Spa cha được học hỏi chung với các cha:
- Cha Claessens người Bỉ sẽ đi mở Foyer Rwanda, Phi Châu.
- Cha Célestin Catéguéra, mở Foyer tại Ouranda, Phi Châu
- Cha Pierre Ghuet, Đài Loan.
- Cha Phaolô Võ Văn Bộ Việt Nam, sẽ mở Foyer tại Bình Triệu.
Trong 04 tháng tại Foyer Spa, Linh phụ Henri Oury hướng dẫn vai trò và trách nhiệm của một linh mục sống giữa cộng đoàn. Người là một người cha, thể hiện tình phụ tử giữa các con, hướng dẫn dạy dỗ con cái trong tinh thần hiệp nhất, dù có khác biệt nhưng chỉ có là một, luôn thể hiện đời sống chung như một gia đình Thiên Chúa nơi trần gian.
Các cha được học hỏi cách tổ chức và giảng thuyết cho tuần cấm phòng trong thinh lặng. Các thành viên thể hiện tinh thần phục vụ, tiếp đón người đến cấm phòng cách vui vẻ, tận tình, yêu thương vì họ là những người do chính Mẹ Maria đưa dẫn đến Tĩnh tâm.
Sau 04 tháng học hỏi ở Foyer Spa, Cha Finet gọi về Foyer Châteauneuf (Foyer Trung ương) để thụ huấn. Nhân dịp này, hàng tuần Cha Phaolô được đến gặp Chị Marthe Robin để bàn hỏi, xin cầu nguyện, khi gặp phải những thắc mắc trong đời sống cộng đoàn.
Luôn tham dự các tuần cấm phòng tại Châteauneuf, và cũng được tham dự các Đại Hội thường niên tổ chức cho các Foyer trên thế giới, được nghe thuyết trình, nghe những đóng góp ý kiến khi tiếp xúc với các linh phụ và các thành viên của các Foyer trên thế giới.
Học cách tổ chức đường hướng thiêng liêng riêng của Foyer, một đường hướng đạo đức mới mẻ như Thiên Chúa đã linh ứng cho Chị Marthe Robin nhiều năm trước đây. Được các linh phụ đưa đi thăm nhiều Foyers, nhất là dự tuần tĩnh tâm về cuộc đời Đức Mẹ tại Foyer La Roche D’Or, do Cha Callerand giảng thuyết.
Trong thời gian ở Châteauneuf, Cha Phaolô được vinh dự trao Mình Thánh Chúa cho Chị Marthe Robin.
Sau 5 tháng, cha trở lại Foyer Spa có cha Schmitt Linh phụ Foyer Ottrott (Pháp, giáp giới nước Đức), ngài thông thạo về thần học và tu đức, đặc biệt ngài được mời tới thuyết trình cho các linh phụ thêm một tuần lễ, để nghiên cứu sâu sắc về đường hướng tu đức hiện tại.
Tháng 1 năm 1968 : Ngày bế mạc khóa học hỏi này, Cha Finet vị sáng lập Foyer de Charité Châteauneuf-de-Galaure sang Bỉ dâng thánh lễ đồng tế, quen gọi là « LỄ SAI ĐI » (Messe d’envoi).
Trước khi chia tay, Cha Henri Oury - Linh phụ Foyer de Charité Spa, Bỉ (là người được Cha Finet ủy nhiệm đào tạo các linh phụ sẽ thành lập các Foyer trong các nước truyền giáo), đã đưa bốn anh em linh mục đi đến Trung Tâm Hành Hương Sainte Vierge Des Pauvres tại Banneux, cách Foyer Spa khoảng chừng 12 cây số, các cha đến dâng thánh lễ cầu nguyện xin Đức Mẹ chúc lành, đặc biệt Cha Phaolô dâng lên Đức Maria, Mẹ của Người Nghèo chương trình sắp thực hiện tại Foyer Bình Triệu, với niềm tin tưởng mạnh mẽ sẽ đem nhiều lợi ích cho các linh hồn.
Tháng 3 - 1968 Cha Trở Về Việt Nam
Về tới việt Nam, việc đầu tiên là cha đến chào thăm sức khỏe Đức Tổng Giám Mục, Đức Giám Mục Phụ Tá và linh mục Tổng Bí Thư. Hôm sau cha lái xe lên Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima để dâng lời tạ ơn Đức Mẹ đã cho đi về bằng an, đồng thời quan sát công trình xây dựng Thánh Đường Chúa Kitô, đang xây dựng dở dang vì thiếu hụt tài chính phải ngưng lại đợi chờ. Sau đó cha đi gặp Ban Chấp Hành của Trung Tâm.
Tháng 5 năm 1968 : Vào ngày đầu tháng Đức Mẹ, cha khởi công xây cất nhà Tĩnh Tâm. Đó là ngôi nhà Thủy Tạ (hiện nay là Nhà Sách Fatima) chính là ngôi nhà nghỉ của Ông Trương Minh Phú, chủ khu đất rộng 12 mẫu rưỡi. Sau khi Cha Phaolô giúp chia lô bán xong khu đất trên. Ông chủ đất cũng đã hiến tặng Cha ngôi nhà Thủy tạ nầy, mà Cha Phaolô đã chuẩn bị sẽ thành lập một ngôi nhà Tĩnh Tâm cho Giáo Phận, chuyên lo việc tiếp đón người đến tĩnh tâm, cầu nguyện thinh lặng trong 5 ngày trọn.
Trong thời gian nầy, đột nhiên linh mục François Guy de Reyniès xuất hiện. (cha là người sau này thành lập Foyer de Charité Di Linh năm 1970, rồi chia thành hai Foyer Cao Thái ở Quận 9 và Phú Dòng ở Đồng Nai). Ngài học xong tiếng Việt tại dòng Biển Đức ở Takeo về, đến gặp Cha Phaolô để cùng chia sẻ ý muốn thành lập một Foyer de Charité. Hai cha vui vẻ gặp nhau vì đồng chí hướng muốn thành lập Cộng Đoàn Bác Ái nhưng lúc đó cha Guy de Reyniès chưa tìm được đất…Được biết sẽ có một tuần cấm phòng đầu tiên tại Bình Triệu được dự trù vào ngày 26.12.1968, ngài rất muốn được đến dự và sau đó tiếp tục lui tới thăm nom, bàn bạc với cha Bộ về chương trình sắp thực hiện sao cho tốt đẹp đúng tinh thần của Foyer de Charité.
Để chuẩn bị cho việc thành lập Cộng Đoàn Bác Ái Bình Triệu, từ 6 tháng trước Cha Phaolô đã tổ chức các đêm canh thức vào mỗi tối thứ bảy trong tuần, tại Trung tâm Tông đồ Mục vụ, số 2B đường Lương Hữu Khánh, sau nhà thờ Chợ Đũi, rất đông người đến tham dự và ở lại suốt đêm, bắt đầu từ 19 giờ 30 đến 4 giờ 30 sáng Chúa Nhật, mọi người tham dự thánh lễ sốt sắng. Đức Tổng Giám Mục và Giám mục Phụ tá cũng đến chầu Thánh Thể và giảng dạy, giúp ai nấy sốt sắng cầu nguyện. Đến 5 giờ sáng Chúa Nhật, là Thánh lễ bế mạc.
Ơn kêu gọi đầu tiên của CĐBA Bình Triệu là chị Matta Đặng Thị Duyên, giáo xứ Xóm Chiếu, Quận 4.
Ơn kêu gọi thứ hai là chị Maria Rose Nguyễn Thị Quí, Giáo xứ Trà Vinh, Vĩnh Long, đang dạy học trong một trường ở thành phố đã đến tham dự đêm canh thức mỗi tuần… Lúc đó cô Matta Duyên cũng được Cha Phaolô giao phó cho việc chuẩn bị đón tiếp, pha trà, bánh nước, dọn lễ giúp Cha Phaolô trong suốt thời gian chầu Thánh Thể, với ý hướng tìm kiếm ơn gọi cho Foyer sẽ thành lập sau này.
Ngày 24.12.1968: Cha Phaolô rời trụ sở Tông đồ Mục vụ cùng với chị Matta Duyên, và chị M. Rose Quí lên Bình Triệu, để mừng Lễ Chúa Giáng Sinh trong ngôi nhà Thủy Tạ. Cha đã báo trước và dạy chị em chúng tôi phải sống một đời sống phó thác trong cảnh nghèo giống như Chúa Giêsu, và để cho Chúa lo liệu. Thật thì hai chị em lên thấy cái nhà trống trơn, tối ngủ nằm đất, trưa đi mượn gạo nhà bên cạnh nấu, còn thức ăn thì ngồi chờ câu cá hên xui, thật sống trong cảnh nghèo như thế chị em mới thương nhau.
Ngày 26.12.1968: Tổ chức tuần tĩnh tâm đầu tiên tại Foyer Bình Triệu, có 21 người đến tham dự. Bế mạc tuần phòng, Đức Tổng Giám Mục Phaolô NGUYỄN VĂN BÌNH đến thăm và chúc lành cho Cộng Đoàn.
Lúc bấy giờ, chỉ tổ chức cấm phòng 2 lần trong tháng, đôi khi có cả những người khác tôn giáo tham dự.
Trong Tuần phòng, mỗi chiều thứ sáu có ngắm Đàng Thánh Giá. Chiều thứ bảy có rước kiệu Đức Mẹ. Chiều Chúa nhật rước kiệu Mình Thánh Chúa trọng thể đi xung quanh vùng đất hành hương Đức Mẹ Fatima.
Ngày tháng trôi qua nhanh chóng, công việc xây cất tại Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima cũng tiến nhanh kịp mở tuần cấm phòng cuối năm như những Foyer de Charité khác trên thế giới đều tổ chức tuần phòng cuối năm để tạ ơn Chúa năm cũ và xin Chúa chúc lành cho đầu năm mới. Vào phòng chiều 26.12.1969 đến 01.01.1970, kéo dài năm ngày trọn hoàn toàn trong thinh lặng, với ba bài giảng mỗi ngày, các giờ kinh nguyện và Thánh lễ, mọi người đều sốt sắng tĩnh tâm trong hy sinh và cầu nguyện, để trở về với chính mình.
Chiều thứ bảy có buổi chia sẻ, để nói lên lời chúc tụng, tạ ơn Chúa về sự đổi mới của chính mình cho nhau nghe.
Sáng Chúa Nhật, trong thánh lễ có nghi thức Tận hiến cho Chúa Giê-su qua Đức Trinh Nữ Maria theo linh đạo của Thánh Louis Maria Grignon de Montfort. Đây là truyền thống đặc biệt của các Foyers.
Đầu tháng 06, tháng kính Trái Tim Chúa Giêsu, Đức Tổng Giám Mục lại đến làm phép 14 chặng thương khó Đức Chúa Giêsu, đặt hai bên đường từ cổng vào đến Đài Đức Mẹ; chia làm hai: bảy chặng lối đi vào, sau khi cầu nguyện Đức Mẹ, trở về ngắm tiếp 7 chặng cùng với chặng Chúa Giêsu sống lại, về trời vinh hiển. Người ngắm đàng thương khó Chúa cũng an lòng trở về nhà bằng an.
Kể từ ngày xây dựng, tượng đài Đức Mẹ đứng ngoài trời mưa nắng, cha Phaolô chỉ làm tạm mái che cho giáo hữu đến hành hương cầu nguyện. Đó là điều cha Phaolô chưa yên tâm, nên Ngài cố lo sao làm mái nhà cho xứng đáng, để Đức Mẹ không còn đứng ngoài mưa nắng thì mới phải lẽ.
Khách hành hương đến với Đức Mẹ mỗi ngày một đông, không đủ chỗ để tham dự các nghi lễ đạo đức. Người người đến từ bốn phương trời để cầu nguyện và xin ơn, trong một quang cảnh đẹp đẽ và cảm động. Họ đứng dưới trời nắng gay gắt với những chiếc dù đủ màu sắc, y phục gọn gàng đẹp đẽ, ai nấy đều cầu nguyện sốt sắng và tha thiết nhờ Mẹ cầu xin Chúa ban ơn Thánh thiêng liêng cho mọi người, cho họ hàng, cho làng xóm, quê hương. Họ âm thầm dâng mình tận hiến cho Mẹ để xin Mẹ Maria là Đấng luôn bào chữa và ban sự bình an.
Lòng quảng đại của giáo dân đến kính viếng Mẹ, đã rộng tay giúp đỡ cho ngôi Thánh Đường dâng kính Mẹ được hoàn thành cách xứng đáng.
Đức Tổng Giám Mục lại lên làm Phép khánh thành Ngôi Nhà Thờ mới, dâng Thánh Lễ Tạ ơn và cầu bằng an cho các vị ân nhân dâng cúng, giúp đỡ chương trình kiến thiết này.
Đền thờ Fatima Bình Triệu đầu tiên
Nhớ lời căn dặn của Đức Khâm sứ Tòa Thánh trước đây, Cha Phaolô vận động anh em trong Ban Chấp Hành góp công, góp của xây dựng sáu căn nhà ở, nhà bếp và có người săn sóc các linh mục già yếu đến tuổi nghỉ hưu.
Các linh mục già yếu thuộc các giáo phận Sài Gòn, Vĩnh Long, Xuân Lộc… đã về đây ở: Cha già Hớn (Xuân Lộc), Cha Anrê Đại (Sài Gòn), Cha Bùi Ngọc Trợ, Cha Lê Phước Thạnh (Vĩnh Long), Cha Chiếu (Mỹ Tho), Cha Thanh, Cha Vinh (Vĩnh Long). Linh mục nào có thân nhân giúp thì các ngài ăn tự túc, còn linh mục nào không có ai giúp đỡ thì Foyer lo.
Vì số người đến tĩnh tâm hàng tháng ngày càng thêm đông, ngôi nhà tĩnh tâm thứ nhất ở số 348/5, Ấp Bình Triệu, xã Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức không đủ chỗ tiếp đón, nhất là các Đoàn Thể Công Giáo Tiến hành cũng thường xuyên đến hội họp, đồng thời có nhiều ơn kêu gọi của Foyer (Cộng Đoàn Bác Ái) đến tìm hiểu chọn sống đời sống dấn thân Tận hiến cho Mẹ Maria. Cha Phaolô đã nhờ ông Đoàn Hữu Tri tiếp tục công trình bỏ lỡ mấy năm trước đây. Vừa xây dựng nhà thờ vừa xây cất nhà TĨNH TÂM rộng lớn hơn, bao bọc nhà thờ hình chữ C, tọa lạc trên QL 13 (nay là Trường Đại Học Luật), trước khi rẽ vào Đền thánh Đức Mẹ Fatima (Nhà thờ Fatima Bình Triệu hiện nay).
Nhờ ơn Chúa xót thương và Đức Mẹ trợ giúp khiến cho nhiều người cộng tác, nên qua một năm, nhà thờ xây tạm xong và nhà Tĩnh Tâm cũng hoàn thành tầng trệt và lầu một.
Ngày 06.01.1973: Là ngày náo nhiệt tưng bừng, ngày khánh thành ngôi Thánh Đường Chúa Kitô, và nhà tĩnh tâm của Foyer de Charité Bình Triệu, tiệc liên hoan suốt ngày hôm đó.
Đức Tổng Giám Mục rất vui mừng vì phần đất do ngài đứng tên nay mọc lên ngôi Thánh Đường và nhà Tĩnh tâm, muôn đời còn kỷ niệm ở đó.
Chúng con hết lòng cảm mến Đức Tổng Giám Mục đã đến làm phép ngôi Thánh Đường dâng kính Chúa Kitô, và Đức Tổng lại chúc lành cách đặc biệt nhà Tĩnh Tâm.
Chúng con không quên cám ơn Đức Cha Phanxicô Khâm, Đức Giám Mục Phụ Tá, Đức Cha Giuse Thiên, Giám Mục Phú Cường, Đức Cha Antôn Thiện, nguyên Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long…các linh mục, các tu sĩ cùng quý khách.
Kể Từ Đó, các tuần phòng đều tổ chức nơi nhà mới xây này, rộng rãi và mát mẻ. Tại nhà mới này bố trí ngăn nắp:
Có hai phòng giảng, thư viện, một chẩn y viện lo về khám bệnh và phát thuốc cho dân trong vùng Bình Triệu
Chẩn y viện Fatima do Hội Bác Sĩ Công giáo bảo trợ gồm 16 vị, Hội Trưởng là linh mục Lichten Berger, người Bỉ. Mỗi sáng Chúa nhật có 2 bác sĩ, thay phiên nhau đến phục vụ bệnh nhân, chẩn mạch, phát thuốc, nếu trường hợp bệnh tình khó khăn thì giới thiệu đến các nhà thương. Mỗi thứ năm đều có một Đông Y, người Hoa tới châm cứu.
Ngoài ra có một phòng ăn dành cho Cộng Đoàn Bác Ái và một phòng ăn tập thể rộng lớn dành cho người đến tĩnh tâm, hội họp, trao đổi về các vấn đề tu đức.
Ngoài những cơ sở trên Cha Phaolô còn mua được một số đất làm nghĩa trang chôn cất người quá cố, phần đất cất nhà Hưu dưỡng cho các linh mục già về hưu, trụ sở Hội Bảo vệ người phong ở Di Linh, (đối diện với nhà Hưu dưỡng) một lô đất để xây cất Tu viện Dòng Cát Minh Huế, vào ngày 3 tháng 5 năm 1975.
Ngoài những sinh hoạt hằng ngày theo chương trình nói trên, cha phaolô tiếp tục sứ vụ xây cất và tiếp đón.
Nhà lầu nầy được xây dựng với mục đích sử dụng vào nhiều công tác.
Tầng trệt dùng để dạy Giáo lý và nơi nghỉ cho khách hành hương từ xa tới, khi phải qua trưa nóng bức…
Tầng trên làm nhà trọ qua đêm cho khách hành hương, trong lúc bất ngờ bị bệnh, lên đây nằm nghỉ ngơi yên tỉnh. Nhất là trong những đêm canh thức cầu nguyện, thay phiên nằm nghỉ lấy sức tiếp tục giờ chầu.
Vì thời cuộc nên chưa hoàn thành như ý.
Ngày 03 - 08 -1977: Cha Phaolô đi học tập
Ngày 03 - 02-1986: Cha Phaolô về tạm trú tại nhà thờ Chánh Tòa Bình Dương
Ngày 13 - 04 – 1994: Nghỉ hưu tại nhà Hưu Dưỡng Chí Hòa.
Ngày 06 - 08 – 2006: Cha được Thiên Chúa gọi về nhà Cha trên trời.