Luật lệ hướng về Đức Kitô và về con người - Thứ Sáu Tuần XV - Mùa Thường Niên

Luật lệ hướng về Đức Kitô và về con người - Thứ Sáu Tuần XV - Mùa Thường Niên

Luật lệ hướng về Đức Kitô và về con người - Thứ Sáu Tuần XV - Mùa Thường Niên

LUẬT LỆ HƯỚNG VỀ ĐỨC KITÔ VÀ VỀ CON NGƯỜI 

Xh 11,10 - 12,14; Mt 12,1-8 

Thứ Sáu Tuần XV - Mùa Thường Niên, 21/07/2023

Đức Giêsu nhiều phen bị các vị lãnh đạo bắt lỗi vì bị cho là lỗi luật ngày Sabát. Nhiều phen Ngài giải thích cho họ hiểu đó không phải là phạm luật bằng cách giải thích cho họ hiểu đúng về luật Sabát. Hôm nay với trường hợp các môn đệ Đức Giêsu bứt bông lúa vào ngày Sabát vì đói, Đức Giêsu đưa đến một lời giải thích về luật Sabát tận căn hơn khi quy hướng luật lệ về Đức Kitô và về con người.

Có lẽ cảm giác của người đọc bản văn Tin Mừng hôm nay là Thầy Giêsu bảo vệ việc làm sai trái của môn đệ mình. Thực ra, chuyện bứt bông lúa nhai cho đỡ đói không vi phạm luật Sabát, không đến nỗi để bị gán cho tội lao động gặt hái trong ngày nghỉ. Sự quy gán này không có trong luật về ngày Sabát, mà chỉ là lời giải thích của các Rabbi thôi. Nhưng qua dịp này, Đức Giêsu cho thấy Ngài là Đức Kitô mà luật lệ phải quy hướng về. Khi đưa ra ví dụ vua Đavít và thuộc hạ ăn bánh dâng tiến cho Thiên Chúa trong Đền Thờ (x. 1Sm 21,2-7) và vị tư tế khi phục vụ trong Đền Thờ có thể không bị ràng buộc bởi những quy định về luật ngày Sabát, Đức Giêsu dẫn đến kết luận là: “ở đây còn có điều lớn hơn Đền Thờ nữa” (Mt 12,6). Cách nói của Đức Giêsu trong Matthêô: “mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa... mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa” (Mt 12,41-42) đều ám chỉ về Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu là Đức Kitô mà Lề Luật, hay nói chính xác là, toàn bộ Cựu Ước đều hướng về. Điều này quan trọng ở chỗ: Lề Luật không có giá trị tự nó, nhưng là để hướng dẫn tín hữu về với Thiên Chúa là Đấng cứu độ họ. Đức Giêsu là Đức Kitô có thẩm quyền giải thích Lề Luật để đưa người ta về với Thiên Chúa.

Lề Luật, ngoài ý nghĩa quy hướng về Đức Kitô, Tin Mừng hôm nay còn cho thấy là Lề Luật ấy luôn lưu ý đến con người, đến lòng nhân ái. “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 12,7). Tuân giữ luật lệ không phải là cách để yên lương tâm, để tự hào về lòng đạo đức của mình, nhưng phải là ước muốn hiểu điều Chúa muốn nói nhờ giáo huấn của Chúa Kitô, và ước muốn sống lòng yêu thương đối với con người.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn