Thị kiến về cuộn sách mà chúng ta nghe trong bài đọc 1 hôm nay nói về ơn gọi tiên tri của ông Êdêkien nơi đất lưu đày Babilon. Những lời ông được dạy phải nói với dân là những lời đắng vì nói về tội lỗi của dân và loan báo Đền Thờ sẽ bị sụp đổ, vì cho đến lúc đó, dân lưu đày này vẫn hy vọng ngày hồi hương đã gần kề, họ không chịu sám hối: “...sách được viết cả mặt trong lẫn mặt ngoài, trong đó có viết những khúc ai ca, những lời than vãn và những câu nguyền rủa.” (Ed 2,10)! Tuy nhiên, điều kỳ lạ là khi ông Êdêkien nuốt cuộn sách ấy thì ông lại cảm nhận “nó ngọt như mật” (3,3). Tại sao thế?
Người Việt Nam có câu: cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Những lời răn dạy của cha mẹ là lời đắng, nhưng nếu con cái biết nghe lời, thì đó lại là những lời ngọt, vì con cái sẽ nên người. Những lời ông Êdêkien được bảo phải nói với dân là những lời dân khó đón nhận, nhưng nếu ông sẵn sàng làm việc ấy, cuộc đời ông trở nên đáng quý. Những lời dân nghe ông nói là những lời đắng, nhưng nếu biết nghe, số phận dân sẽ trở nên “ngọt”.
Để cho lời đắng trở nên ngọt, cần đến thái độ của trẻ em. Chúa Giêsu nói với người nghe Ngài: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3). Biết lắng nghe với tinh thần phục thiện, thì lời đắng sẽ trở nên lời ngọt. Đó là tâm hồn khiêm tốn của trẻ em. Người lớn dễ tự ái, nhiều tham vọng, ý riêng nhiều quá nên dễ phản kháng lại lời đắng. Tự ái, tham vọng, ý riêng phá đổ nhiều công trình của Thiên Chúa lắm! Hãy trở về với tâm hồn trẻ em của mình trước kia. Với tâm hồn này, người ta sẽ mở ra cho Nước Trời và Thiên Chúa có thể hoạt động nơi những tâm hồn này!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn