Thế giới ảo (virtual world) đang trở thành “rất thật” với con người ngày hôm nay. Rất thật theo nghĩa là chuyện lướt web, xem và tương tác trên facebook, trên Zalo… chiếm rất nhiều thời giờ của họ, và họ “ở trển” nhiều hơn là ở đây, hơn là giao tiếp với những con người ở trước mặt hay bên cạnh. Cha Liên Minh dòng Phanxicô nói điều đó mang chiều kích “xã hội” hơn là “liên vị”, nghĩa là tương tác với đám đông vô danh chứ không phải là tương giao với những con người cụ thể. Hình ảnh bà mẹ vừa cho con bú vừa lướt facebook mà không nhìn gương mặt đứa con nhỏ của mình cách trìu mến vì nó là con yêu dấu của mình, đó là một minh hoạ cho những điều vừa nói.
Tình trạng sống ảo ấy (living in a virtual world hoặc living a fake life) mang sắc thái riêng của con người thời đại hôm nay, nhưng cách nào đó đã được thánh Gioan nói đến từ thế kỷ I. Ngài viết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4,20). Tín hữu sống ảo vì họ tưởng mình yêu mến Thiên Chúa, nhưng thực ra đó chỉ là ảo tưởng. Ảo tưởng bởi vì họ chỉ yêu mến Thiên Chúa vô hình, không làm gì phiền đến mình vì đã “bị giam” trong nhà nguyện rồi. Họ từ khước thực hiện giới luật yêu người. Còn yêu người sống bên cạnh mình, dễ thương thì ít mà dễ ghét thì nhiều hơn, lại thật là khó! Đó còn là lối sống ảo bởi vì thánh Gioan cho thấy không thể tách rời tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho người khác được! Không có tình yêu này thì cũng không thực sự có tình yêu kia!
Đó là lối sống ảo bởi vì người ta đòi người chung quanh phải hoàn hảo, và hơn nữa, là phải nghĩ và sống theo theo tiêu chuẩn là chính tôi, chứ không phải là để cho người ta là chính họ. Không bao giờ có điều đó trong đời sống thực tế! Đó là lối suy nghĩ ảo, là lối sống ảo.
Chúa Giêsu đã yêu thương những con người cụ thể, với những nét đẹp được khám phá và trân trọng, cũng như những giới hạn cần kiên nhẫn, bao dung và tôn trọng lịch sử tiến triển của mỗi người.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn