“Ai mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp.” (1Tm 3,1)
Chức vụ giám quản ngày xưa, nay được gọi là giám mục. Giáo Hội thời của thánh Phaolô đang bị cấm cách, bắt bớ, nên ước muốn lãnh nhận một trách nhiệm nặng nề, nguy hiểm để phục vụ Dân Chúa, thì đó là một điều tốt! Ngay nay, những vị hữu trách ở Tòa Thánh có khi lên tiếng rằng nhiều vị từ chối khi được đề cử làm giám mục! Trong tình hình Giáo Hội hôm nay, hơn bao giờ hết, trách nhiệm giám mục thực sự là một gánh nặng, mang nhiều mối “nguy hiểm”! Chúng ta không phải là giám mục, nên tôi xin mượn Lời Chúa hôm nay để suy nghĩ cho chúng ta, cách riêng cho những người có trách nhiệm về người khác trong gia đình và trong các cộng đoàn đức tin khác.
Sau khi Chúa Giêsu cho người con trai của bà góa thành Nain sống lại, người ta nói rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16). Dân chúng nói lên điều đó trước việc Chúa Giêsu làm cho người chết sống lại, nhưng hơn nữa, còn là cảm nhận tình thương Thiên Chúa, nên họ nói: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Chúa Giêsu diễn tả tấm lòng Thiên Chúa khi “chạnh lòng thương” (7,13) trước bà góa mất đi đứa con trai duy nhất, và Người nói với bà: “Bà đừng khóc nữa” (7,13). Sau khi làm cho anh thanh niên sống lại, Chúa Giêsu “trao anh ta cho bà mẹ” (7,15). Một tình thương tinh tế.
Người lãnh đạo, ngoài những đòi hỏi về một đời sống gương mẫu như thánh Phaolô nói trong thư gửi cho ông Timôthê, cần phải diễn tả tấm lòng Thiên Chúa dành cho những người mình có trách nhiệm. Biết chạnh lòng trước hoàn cảnh và giới hạn của người khác, biết chăm sóc người khác cách tinh tế. Không phải quyền lực, nhưng là sự chạnh lòng, mà người lãnh đạo cần diễn tả với người khác trong trách nhiệm của mình. Chính với cách thức ấy mà người lãnh đạo làm cho người khác cảm nhận Thiên Chúa đang viếng thăm dân Người.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn