Con Thiên Chúa làm người không chỉ để chia sẻ kiếp người với con người, nhưng còn làm cho con người trở thành con cái Thiên Chúa. Điều này được thánh Gioan viết trong thư thứ nhất (x. 1Ga 3,1). Nhưng cũng nơi thư này, ngài viết rằng: “Phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội” (3,9). Và cũng ở thư này, ngài lại viết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình,… Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối…” (1Ga 1,8 và 10). Sao rối vậy nhỉ?! Vậy chúng ta có thực sự là con cái Thiên Chúa không, bởi vì chúng ta đều có kinh nghiệm về sự yếu đuối, có khi là sự quằn quại trong tội lỗi nữa! Tội lỗi làm cho chúng ta bất an, giằn vặt chính mình và cũng gây ra những bất ổn, giằn vặt cho người khác nữa. Chúng ta ý thức về tất cả những điều đó, có khi muốn thoát ra khỏi vòng kiềm toả của tội lỗi mà không được! Vậy thì chúng ta có thực sự là con cái Thiên Chúa không?
Ông Gioan loan báo Đức Giêsu là “Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Thực sự chúng ta đã được tha thứ khi trở thành con cái Thiên Chúa nơi bí tích Rửa Tội. Chúng ta “đã là” và “đang là” con Thiên Chúa. Nhưng điều đó không phải là một thực tại “tĩnh”, có nghĩa là được thực hiện một lần là xong, là chúng ta đã có “trọn gói”. Là con Thiên Chúa còn là một thực tại mang tính hiện sinh dọc theo hành trình đời người, với những bước thăng trầm của nó. Nơi bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa đã làm phần của Ngài là tha thứ và nhận chúng ta làm con. Còn trên hành trình đời người đang tiếp diễn, ơn Chúa nơi bí tích ấy cần được sự cộng tác của con người để “trở nên” con Thiên Chúa hàng ngày, để “làm” con Thiên Chúa ngày này tiếp nối ngày kia qua hành động của mình.
Ai được sinh ra bởi Thiên Chúa thì không phạm tội. Đó là câu chuyện của Chúa và của tôi ngày hôm nay và là lời mời gọi cho những ngày sắp tới, cho đến khi chúng ta được trở nên giống Đức Kitô khi Ngài xuất hiện (x. 1Ga 3,2). Hãy bắt chước Đức Giêsu Kitô từng ngày và hàng ngày, cho đến khi chúng ta được biến đổi nên giống Ngài cách viên mãn.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn